Sau hơn 18 tháng tạm dừng do đại dịch Covid-19, phiên tòa xét xử 5 nhân vật đứng sau loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ đã được nối lại vào ngày 7/9. Phiên tòa được tổ chức tại căn cứ hải quân Mỹ tại vịnh Guantanamo, Cuba.
Hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. (Ảnh: Reuters) |
Các bị cáo trong phiên tòa gồm Khalid Sheikh Mohammed - được cho là kẻ chủ mưu, và 4 đồng phạm gồm Ammar al-Baluchi, Walid bin Attash, Ramzi bin al-Shibh and Mustafa al-Hawsawi.
Khalid Sheikh Mohammed và các đồng phạm đã bị giam giữ tại nhà tù thuộc căn cứ hải quân Mỹ nằm trên vịnh Guantanamo trong gần 15 năm qua. Lần gần đây nhất những đối tượng này xuất hiện trước tòa là vào đầu năm 2019.
Nếu bị kết tội, Khalid Sheikh Mohammed và các đồng phạm có thể phải đối mặt với án tử hình vì các tội danh giết người, khủng bố và phạm tội ác chiến tranh.
Phiên tòa diễn ra chỉ vài ngày trước thời điểm Mỹ chuẩn bị tưởng niệm 20 năm xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố gây chấn động thế giới.
Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi 19 đối tượng khủng bố al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu.
Hai chiếc máy bay trong số đó lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp WTC tại thành phố New York. Chiếc máy bay thứ ba, chuyến bay 77 của American Airlines, đã đâm vào Lầu năm góc tại quận Arlington, bang Virginia, làm sập một phần mặt phía tây của tòa nhà.
Trong khi đó, chiếc máy bay thứ tư, chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu được nhắm vào thủ đô Washington, nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm tìm cách khống chế nhóm không tặc.
Loạt vụ tấn công trên đã làm 2.976 người thiệt mạng, hơn 6.000 người khác bị thương và gây ra thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD về tài sản và cơ sở hạ tầng, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD.
Đây cũng là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất đối với lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp trong lịch sử nước Mỹ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sĩ quan hành pháp thiệt mạng. Thảm kịch 11/9/2001 cũng đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York.
Theo nhandan.com.vn