Hà Lan đối mặt nguy cơ từ biến đổi khí hậu "nghiêm trọng hơn dự tính"

08:09, 23/09/2021

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội Hà Lan vừa qua,  Nhà vua Willem-Alexander nêu rõ: “Biến đổi khí hậu rõ ràng là vấn đề cấp bách nhất. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và nghiêm trọng hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây”.

Nhà vua Hà Lan nhắc tới các trận lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Limburg, miền Nam nước này vào tháng 7 vừa qua, cho rằng thiên tai này buộc chính phủ phải rà soát và thúc đẩy các biện pháp đã được lên kế hoạch. Ông nhấn mạnh, trong những năm tới, Hà Lan chắc chắn cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm Trái Đất ấm lên. Với khoảng 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển, Hà Lan từ lâu vẫn là quốc gia dễ bị ngập lụt nghiêm trọng. Hà Lan, vốn nằm trong số những nước có lượng khí thải tính theo đầu người lớn nhất châu Âu, dự kiến dành khoảng 7 tỷ euro trong kế hoạch ngân sách năm tới để tăng tính bền vững, chống chịu với thiên tai của các gia đình và doanh nghiệp.

Thụy Sĩ đứng thứ nhất thế giới về “Chỉ số đổi mới toàn cầu”

Theo “Chỉ số đổi mới toàn cầu” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng, Thụy Sĩ xếp thứ nhất, theo sau là Thụy Điển, Mỹ, Anh. Hàn Quốc xếp hạng 5, tăng một bậc so với năm ngoái, thứ hạng cao nhất từ trước tới nay. Trong số các nước châu Á, xếp sau Hàn Quốc là Singapore (thứ 8), Trung Quốc (thứ 12) và Nhật Bản (thứ 13). Chỉ số đổi mới toàn cầu được lần đầu công bố vào năm 2007, trong đó WIPO và Viện quản trị kinh doanh châu Âu (INSEAD) xếp hạng các nước thành viên trên toàn thế giới. Chỉ số này đo lường về năng lực đổi mới, một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia, cung cấp thông tin cần thiết cho các nước về việc lập chính sách công, hay chiến lược kinh doanh. Năm nay, có 132 nước được đánh giá về 81 chỉ số cụ thể ở 7 lĩnh vực, như chế độ, tài nguyên con người, nghiên cứu, cơ sở hạ tầng.

IEA kêu gọi Nga cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa kêu gọi Nga cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong bối cảnh giá năng lượng trên lục địa này tăng cao kỷ lục và một số quốc gia có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện khi mùa đông bắt đầu.

IEA, tổ chức có trụ sở tại Paris cho rằng, Nga có thể làm nhiều hơn nữa để tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu và đảm bảo lượng dự trữ để chuẩn bị cho mùa đông tới, giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Tổ chức này nhấn mạnh đây là cơ hội để Nga thể hiện vai trò là nhà cung cấp đáng tin cậy của thị trường châu Âu. IEA cho biết mặc dù Nga đang hoàn thành những hợp đồng dài hạn với các đối tác châu Âu, song xuất khẩu khí đốt của nước này sang châu lục đã giảm so với mức năm 2019. Còn Giám đốc điều hành Gazprom, ông Alexei Miller, tuần trước cho biết công ty này vẫn đang thực hiện nghĩa vụ của mình và sẵn sàng tăng sản lượng nếu cần, song cảnh báo giá khí đốt có thể tiếp tục tăng vào mùa đông do thiếu các cơ sở khai thác dưới lòng đất./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com