Khi thế giới đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt có nguy cơ trở thành lực cản đối với các nền kinh tế của châu Âu. Giá bán buôn khí đốt tự nhiên trên khắp châu Âu đã tăng gần gấp 5 lần so với năm 2019.
Theo Imperial College London, hồi tháng 8, giá điện trên thị trường Anh đã vượt mốc 100 bảng Anh, lên mức trung bình 107,50 bảng Anh (147,25USD)/megawatt/giờ, còn giá điện bán buôn tại Đức đạt 97,25 Euro (115,09USD)/megawatt/giờ vào giữa tháng 9, gần gấp đôi mức giá hồi đầu năm và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Một cơ sở cung cấp khí đốt của Tập đoàn Gazprom ở Siberia. Nga và Algeria đã tăng đáng kể sản lượng xuất khẩu khí đốt nhưng không đủ để giảm bớt lo ngại của thị trường. Ảnh: Reuters |
Công ty nghiên cứu và kinh doanh năng lượng Rystad Energy cho biết, nguồn cung khí đốt từ Nga giảm trong năm nay đã dẫn đến lượng dự trữ trên khắp châu Âu giảm “thấp hơn mức trung bình 5 năm”. Trong khi đó, sản lượng điện gió thấp hơn dự kiến, bởi châu Âu vừa trải qua một mùa hè ấm, khô hạn và ít gió hơn mọi năm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Còn trong thời gian tới, khi mùa đông lạnh giá bao phủ khắp châu Âu, nhu cầu tiêu thụ năng lượng chắc chắn còn cao hơn nữa, bởi lẽ ngoài khí đốt dùng cho sản xuất điện và công nghiệp, nhu cầu năng lượng để sưởi ấm cũng rất cao. Bên cạnh đó, giá khí đốt tăng cũng do nỗ lực phục hồi sản xuất sau đại dịch ở Trung Quốc tăng đột biến, trong bối cảnh ngành công nghiệp châu Âu cũng đang trên đà phục hồi nhanh hơn dự kiến sau một thời gian dài đình trệ vì dịch COVID-19.
Tại Anh, nguồn cung điện trở nên căng thẳng do nhiều trạm điện phải đóng cửa để bảo trì, sau nhiều lần bị trì hoãn vào năm ngoái do đại dịch. Song đó chưa phải là nguyên nhân chính. Hồi đầu tháng 8 vừa qua, nguồn cung khí đốt từ Nga qua đường ống Yamal-Europe, chạy qua Belarus và Ba Lan đến Mallnow, Đức, đã sụt giảm gần một nửa. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ một vụ hỏa hoạn tại cơ sở xử lý khí đốt Urengoy thuộc quản lý của Gazprom-khiến tập đoàn khí đốt khổng lồ này của Nga buộc phải tạm dừng hoặc cắt giảm sản lượng khí đốt cho xuất khẩu trong một thời gian để khắc phục sự cố.
Ẩn số lớn nhất là liệu đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 từ Nga đến Đức, có thể đi vào hoạt động từ cuối năm 2021 để lấp đầy nhu cầu về khí đốt vốn đang khan hiếm của châu Âu hay không. Đường ống này dài 746 dặm chạy dưới biển Baltic - có công suất 55 tỷ mét khối khí mỗi năm - đã hoàn tất, sẵn sàng tăng gấp đôi công suất xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu, song vẫn chưa được cơ quan quản lý của Đức phê duyệt và để làm được điều này có thể phải mất nhiều tháng nữa.
Châu Âu nhập khẩu khoảng 60% lượng khí đốt, chủ yếu đến từ Nga, Algeria và Libya. Một phần còn lại được vận chuyển đến châu Âu bằng tàu biển từ Mỹ, Qatar và một vài nước khác. Tuy nhiên, năm 2021, hệ lụy từ chi phí vận tải đường biển tăng cao, cộng hưởng với nhu cầu năng lượng tăng vọt ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil - các quốc gia vừa trải qua tình trạng khô hạn khiến nguồn điện từ các nhà máy thủy điện sụt giảm nghiêm trọng - đã góp phần làm khan hiếm nguồn cung cho thị trường năng lượng châu Âu.
Các chi phí khác ảnh hưởng đến giá điện, còn phải kể đến chi phí cho giấy phép phát thải khí CO2 của Liên minh châu Âu ở mức 62,4 Euro/tấn theo các cam kết giảm lượng phát thải CO2 tại các hội nghị về biến đổi khí hậu. Khi giá khí đốt tăng cao, các nhà máy phát điện chuyển sang dùng than đá như một phương pháp thay thế khí đốt để tiết kiệm chi phí sản xuất, dẫn tới lượng phát thải CO2 tăng cao (nhà máy sử dụng than đá thải ra gấp đôi lượng CO2 so với sử dụng khí đốt), và chi phí cho giấy phép phát thải CO2 cao lại góp phần làm tăng giá điện thành phẩm, tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn.
Năng lượng tác động tới mọi mặt của đời sống. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giá năng lượng tăng vọt trong tháng 8 đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức cao nhất trong 13 năm qua, khi giá các mặt hàng khác tăng theo. Các hộ gia đình ở Tây Ban Nha đang phải trả nhiều hơn 40% cho hóa đơn tiền điện so với năm ngoái. Đây cũng là nguyên nhân làm nổ ra các cuộc biểu tình phản đối các công ty năng lượng, trở thành vấn đề chính trị nhức nhối của Tây Ban Nha, làm sụt giảm mức độ tín nhiệm của chính phủ.
Mùa đông giá rét đang tới gần. Giải được bài toán năng lượng sẽ giúp các nền kinh tế châu Âu nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19, tạo chuyển biến tích cực cho các nền kinh tế trên toàn cầu.
Theo QĐND