Kinh tế Mỹ và các nền kinh tế lớn khác vẫn đang mắc kẹt với nhiều khó khăn khi vừa nhen nhóm hy vọng trở lại bình thường trong mùa thu này.
Mùa xuân năm nay, khi tốc độ tiêm chủng tăng nhanh và các dự đoán tăng trưởng được cải thiện, các doanh nghiệp đã hy vọng hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường vào mùa thu. Nhưng lúc này, tháng 9 đã đến mà một cuộc trở lại bình thường dường như vẫn ở cuối con đường. Diễn biến trong những ngày gần đây cho thấy các nền kinh tế lớn vẫn đang mắc kẹt với một số vấn đề tương tự mà họ gặp phải trước đó trong đại dịch, như số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, trong khi phải đồng thời đối mặt với những thách thức dài hạn hơn.
Khu dự trữ dầu ở ngoại ô Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào tháng 4-2020. Ảnh: Bloomberg |
Hôm 9-9, Microsoft đã hủy bỏ kế hoạch mở lại hoàn toàn các văn phòng tại Mỹ vào tháng 10 vì lo ngại biến thể Delta. Nhiều công ty đã lên kế hoạch cho nhân viên trở lại sau Ngày Lao động ở Mỹ, nhưng thời hạn đó trôi qua, mà nhiều doanh nghiệp lớn như Amazon và Facebook vẫn chỉ đặt mục tiêu mở cửa lại nơi làm việc vào năm 2022.
Các hội nghị lớn, bao gồm Hội nghị thường niên của Hiệp hội Súng trường Quốc gia ở Houston và Triển lãm Đồ ăn Đặc sản của Hiệp hội Thực phẩm Đặc biệt diễn ra ở New York - đã bị hủy bỏ hoặc chuyển sang trực tuyến do các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh - trong một diễn biến giống như thời kỳ tháng 4-2020. Những diễn biến đó đang ảnh hưởng đến các hãng hàng không, vốn trông đợi sẽ rộn ràng đón khách khi các văn phòng mở cửa trở lại và các hội nghị off-line được tổ chức. Các vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch và tình trạng thiếu lao động tiếp tục ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ, đe dọa ảnh hưởng tới mùa mua sắm nghỉ lễ cuối năm và càng làm suy yếu đà phục hồi. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, dự đoán có thể phải đến năm 2023 nền kinh tế Mỹ mới trở lại trạng thái hoạt động đầy đủ nhân công. Chỉ số kinh doanh “Trở lại Bình thường” của CNN, theo dõi một loạt các chỉ số để đo lường mức độ hoạt động kinh tế Mỹ trở lại mức trước đại dịch, cũng đã giảm nhẹ kể từ cuối tháng 8.
Biến thể Delta không chỉ phá hoại sự phục hồi kinh tế của Mỹ mà còn khiến số người chết và nhập viện tăng lên, đặc biệt là ở những người chưa được tiêm chủng. Trong một bước đi bất ngờ, Tổng thống Joe Biden hôm 9-9 đã chỉ đạo Bộ Lao động Mỹ yêu cầu tất cả các chủ lao động có hơn 100 nhân viên bắt buộc phải tiêm vắc-xin hoặc xét nghiệm thường xuyên.
Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu cũng phải chờ đợi thêm để trở lại bình thường. Tại Anh, các dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng nặng nề của biến thể Delta đang bắt đầu xuất hiện trong dữ liệu kinh tế. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết hôm 10-9, tăng trưởng GDP của Anh chậm lại nhiều trong tháng 7, đạt mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 2. ONS cho biết tình trạng giá cả tăng cao liên quan đến chuỗi cung ứng khó khăn và tình trạng thiếu nhân viên là nhân tố ảnh hưởng chính. Nền kinh tế của Anh hiện vẫn thu hẹp trên 2,1% so với trước đại dịch và các nhà kinh tế tại Berenberg kỳ vọng nước này sẽ đạt mức trước đại dịch vào quý 2 năm 2022 thay vì quý 1 như dự đoán trước đây. Trong khi đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP đối với Mỹ và Trung Quốc trong năm nay. Và không có gì ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Australia đang giảm dần các chương trình kích thích.
Một diễn biến đáng quan tâm là Trung Quốc đang phải bán trữ lượng dầu quý giá của mình. Bắc Kinh đã tích trữ dầu trong nhiều năm để đảm bảo có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế rộng lớn. Nhưng giờ đây, chính phủ đang bán các nguồn dự trữ chiến lược nhằm giảm giá và kiềm chế áp lực lạm phát. Tổng cục Dự trữ hàng chiến lược và thực phẩm quốc gia Trung Quốc (NFSRA) tuần trước cho biết họ sẽ bán dầu thô cho các công ty lọc và hóa dầu để “ổn định tốt hơn cung cầu thị trường trong nước và đảm bảo hiệu quả an ninh năng lượng quốc gia”. Chính phủ Trung Quốc không cho biết họ sẽ bán bao nhiêu dầu, nhưng động thái này là bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn kể cả khi đang hồi phục sau đại dịch.
Lạm phát tăng cao do giá hàng hóa và chi phí năng lượng tăng đột biến cùng với nhu cầu lớn gây ra tình trạng thiếu điện ở một số tỉnh. Hoạt động sản xuất và dịch vụ đã chậm lại, và Chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo rằng chi phí nguyên liệu thô tăng sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức về tăng trưởng và việc làm./.
Theo baotintuc.vn