Ngày 3-8, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã phân bổ hơn 29 tỷ USD để giúp khu vực Mỹ Latinh và Caribê ứng phó đại dịch COVID-19 kể từ khi bùng phát vào đầu tháng 4-2020. Theo WB, đây là sự hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử của thể chế tài chính đa phương này cho một cuộc khủng hoảng y tế, vốn tác động nghiêm trọng đến đời sống và kế sinh nhai của hàng triệu người tại các quốc gia thuộc Mỹ Latinh và vùng Caribê. Thông cáo cũng cho biết thêm nguồn hỗ trợ này đã bắt đầu được phân bổ từ ngày 1-4-2020, kéo dài suốt tài khóa 2021 và kết thúc vào ngày 30-6-2021. Phó Giám đốc phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribê của WB, ông Carlos Felipe Jaramillo cho biết Mỹ Latinh và Caribê là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, chiếm 20% tổng số ca mắc bệnh và 1/3 số ca tử vong trên toàn cầu. Ông Jaramillo khẳng định nguồn hỗ trợ tài chính đã được tập trung vào những lĩnh vực an sinh xã hội, cấp cứu y tế, xét nghiệm, vaccine và tăng cường hệ thống y tế của mỗi quốc gia.
Những nguyên nhân khiến kinh tế Lào giảm tốc
Báo chí Lào ngày 3-8 đưa tin lạm phát gia tăng và đồng kip yếu được cho là một phần nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Lào. Số liệu của Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội thuộc Bộ Công Thương Lào cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021 tỷ lệ lạm phát trung bình của nước này là 2,66%. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, nền kinh tế Lào gặp khó khăn do nguồn cung hàng hóa hạn chế, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Lào sang các nước khác gia tăng. Giá cả nhiên liệu gia tăng và các biện pháp phòng chống COVID-19 cũng đang đặt ra các thách thức đối với vận tải hàng hóa. Giá trị đồng kip suy yếu so với đồng bath Thái Lan và USD cũng đang làm gia tăng tỷ lệ lạm phát bởi hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu nhiên liệu thô và mua thiết bị từ các nước khác. Đồng kip mất giá đồng nghĩa với việc mọi chi phí đều cao hơn, làm gia tăng chi phí sản xuất và chi phí sinh hoạt./.
Theo baotintuc.vn