Mặc dù những người từng mắc COVID-19 có thể sản sinh ra các kháng thể chống lại virus nhưng sự xuất hiện của nhiều biến thể mới khiến ngay cả những người này cũng cần phải tiêm vắc-xin.
Mặc dù số ca mắc và số ca tử vong gia tăng ở các khu vực khác nhau của Mỹ nhưng nhiều người dân nước này vẫn chưa quyết định về việc sẽ đi tiêm vắc-xin. Một nghiên cứu từ Quỹ Gia đình Kaiser cho thấy, 46% những người tham gia khảo sát chưa tiêm vắc-xin nói rằng họ không hề có ý định đi tiêm vắc-xin vào cuối năm nay. Một phần của tâm lý ngần ngại này xuất phát từ việc những người này lo ngại việc tiêm vắc-xin sẽ gây ra rủi ro về sức khỏe lớn hơn bản thân virus. Ngoài ra, số khác có lẽ cho rằng việc tiêm vắc-xin là hoàn toàn không cần thiết, đặc biệt với những người từng mắc COVID-19 trước đó. Trong khi đúng là con người có thể đạt được miễn dịch tự nhiên trước các tác nhân xâm nhập như virus hoặc vi khuẩn thì các chuyên gia cho rằng, miễn dịch tự nhiên bảo vệ được ít hơn trước các biến thể mới so với vắc-xin. Dữ liệu mới từ Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, nếu một người từng mắc COVID-19 trước đó thì người này vẫn có khả năng cao sẽ tái nhiễm.
Ảnh minh họa. |
Các kháng thể tự nhiên không ngăn ngừa các biến thể mới
Một lý do quan trọng cho thấy việc đạt được miễn dịch sau khi mắc COVID-19 không hoàn hảo là sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, hiện chiếm hơn 90% số ca mắc ở Mỹ. “Các kháng thể đạt được qua miễn dịch tự nhiên không vô hiệu hóa được các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây nhiễm hiện nay một cách hiệu quả như các kháng thể sinh ra từ việc tiêm vắc-xin mRNA”, Scott Hensley, giáo sư về vi sinh học tại Đại học Pennsylvania nhận định với USA Today.
Một nghiên cứu ngày 30-6 công bố trên Tạp chí Science Translational Medicine cũng cho thấy, các kháng thể sinh ra từ những người được tiêm đầy đủ vắc-xin mRNA của Moderna có khả năng ngăn ngừa các biến thể khác cao hơn so với kháng thể sinh ra từ những người hồi phục sau khi mắc COVID-19.
Sự bảo vệ của vắc-xin ổn định hơn
Vắc-xin cũng cung cấp sự bảo vệ ổn định hơn trước dịch bệnh so với miễn dịch tự nhiên, Grant McFadden, giám đốc Trung tâm thiết kế sinh học cho Liệu pháp miễn dịch, vắc-xin và Liệu pháp virus tại Đại học bang Arizona cho hay. “Sự hồi phục sau khi mắc COVID-19 tạo ra sự miễn dịch không ổn định đối với lần nhiễm bệnh thứ hai và điều này được phản ánh qua mức độ kháng thể kháng protein gai khác nhau ở các bệnh nhân đã hồi phục”, chuyên gia McFadden đánh giá với USA Today. “Trái lại, miễn dịch đạt được qua việc tiêm vắc-xin đồng đều hơn nhiều, cả trong việc bảo vệ cơ thể trước dịch bệnh COVID-19 và mức độ kháng thể kháng protein gai”.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford công bố hồi tháng 6 cho thấy những người có phản ứng miễn dịch yếu hơn từng mắc COVID-19 có thể có nguy cơ nhiễm các biến thể mới cao hơn. “Các vắc-xin kích thích cơ thể sản sinh ra các kháng thể ở mức độ thậm chí còn cao hơn những người từng hồi phục sau khi mắc bệnh”, Taylor Heald-Sargent, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho hay.
Các trường hợp tái nhiễm phổ biến hơn ở người chưa tiêm vắc-xin
Nghiên cứu của CDC công bố ngày 6-8 cho thấy những người chưa được tiêm vắc-xin có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 2,34 lần so với những người đã được tiêm vắc-xin. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí y khoa The Lancet Respiratory Medicine cũng cho thấy tỷ lệ tái nhiễm cao khi xem xét các trường hợp tái nhiễm COVID-19 ở những binh lính Thủy quân Lục chiến trẻ khỏe. Trong số 189 quân nhân từng mắc COVID-19 từ tháng 5 đến 11-2020, nghiên cứu hồi tháng 4-2021 cho thấy 10% trong số này đã tái dương tính với virus. Trong khi các chuyên gia y tế nhận định với USA Today rằng, một người mắc COVID-19 lần thứ hai có lẽ thường là các ca tái nhiễm tiền triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ thì không phải trường hợp nào cũng như vậy. Một người đàn ông 25 tuổi ở Nevada được cho là ca tái nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Mỹ vào tháng 10-2020, một nghiên cứu công bố trên The Lancet Infectious Diseases cho hay. Các nhà nghiên cứu cho biết, ở lần mắc thứ hai này, bệnh nhân trên có các triệu chứng nghiêm trọng hơn cả lần đầu tiên. Một người đàn ông 46 tuổi ở Ecuador được coi là trường hợp tái nhiễm đầu tiên ở Nam Mỹ từng phát triển kháng thể sau khi mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ cũng đã trải qua tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều khi tái nhiễm virus vài tuần sau đó.
Như vậy, dựa trên các nghiên cứu, theo USA Today, việc cho rằng nếu đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc COVID-19 thì không cần tiêm vắc-xin nữa là một nhận định sai lầm. Người hồi phục sau khi mắc COVID-19 vẫn có rủi ro tái nhiễm virus, theo dữ liệu mới từ CDC. Điều này là bởi mức độ miễn dịch từ việc từng mắc COVID-19 không tương đương với mức độ miễn dịch sau khi tiêm vắc-xin. Các loại vắc-xin COVID-19 cung cấp cho những người được tiêm mức độ miễn dịch đồng đều hơn (cao hơn so với nhiều người từng mắc COVID-19) và có hiệu quả trước các biến thể mới, cũng như kích thích cơ thể tạo ra nhiều kháng thể hơn so với miễn dịch tự nhiên./.
Kiều Anh