Trung Quốc phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc-xin của hãng Sinopharm cho trẻ từ 3-17 tuổi

07:08, 20/08/2021

Ngày 18-8, Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG), một chi nhánh của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), thông báo rằng một loại vắc-xin COVID-19 do viện nghiên cứu của Sinopharm ở Vũ Hán phát triển và sản xuất đã được cơ quan Nhà nước Trung Quốc cho phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 3-17 tuổi. 

CNBG cho biết trẻ em từ 3-17 tuổi đã trở thành nhóm đối tượng quan trọng để tiêm chủng nhằm xây dựng hàng rào miễn dịch khi xuất hiện nhiều biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Thông báo của CNBG nêu rõ vắc-xin đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, cho thấy mức độ kháng thể trung hòa cao trong nhóm tuổi này. Khoảng 96,1% những người được tiêm hai liều vắc-xin đã tạo ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 và kết quả không khác biệt đáng kể ở người lớn. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận ở người được tiêm chủng sau khi tiêm.

EU lên án các hành vi gây hấn của Belarus liên quan tới khủng hoảng di cư

Liên minh châu Âu lên án “hành vi gây hấn” của Belarus trong việc tiếp tay cho các cuộc vượt biên trái phép với người di cư vào EU thông qua biên giới với một số quốc gia như Latvia, Litva và Ba Lan.

Theo báo cáo của cơ quan biên phòng Litva, cho đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 4.100 người xin tị nạn, phần lớn đến từ Iraq đã vượt biên trái phép từ Belarus vào quốc gia này. Đây là con số cao gấp 50 lần so với cả năm 2020. Trong cuộc họp trực tuyến của đại diện các quốc gia thành viên EU trong ngày 18-8, Slovenia, quốc gia giữ vị trí chủ tịch luân phiên của khối cho rằng đây là hành vi gây hấn không thể chấp nhận được và có thể coi là một cuộc tấn công trực tiếp nhằm tạo ra bất ổn và áp lực cho Liên minh châu Âu. Nước này cho biết các quốc gia thành viên EU sẽ cần phải xem xét kỹ lưỡng phản ứng của mình để ngăn chặn kịp thời các hành vi hỗ trợ người di cư vượt biên trái phép vào EU. Thay mặt cho các quốc gia thành viên, Slovenia tuyên bố các quốc gia EU sẽ quyết tâm thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tất cả các biên giới bên ngoài EU.

WTO cảnh báo rủi ro đe dọa triển vọng thương mại toàn cầu

Ngày 18-8, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết chỉ số thương mại hàng hóa tăng lên mức 110,4 điểm, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu tiên vào tháng 7-2016 và tăng hơn 20 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Việc chỉ số thương mại hàng hóa tăng lên mức kỷ lục cho thấy thương mại đang phục hồi mạnh và cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của cú sốc do đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, tổ chức này lưu ý rằng triển vọng thương mại toàn cầu tiếp tục đứng trước những rủi ro. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hoạt động thương mại của toàn thế giới đã phục hồi nhanh hơn dự kiến kể từ nửa cuối năm 2020, sau khi sụt giảm mạnh trong làn sóng bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên. Theo dự báo mới nhất của WTO, khối lượng thương mại hàng hóa sẽ tăng 8% trong năm 2021 và 4% trong năm 2022./.

Theo baotintuc.vn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com