Biến thể Delta lây lan nhanh đã đẩy số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt mốc 200 triệu người trong ngày 4/8. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước đặc biệt lo ngại, điều chỉnh chiến lược và siết chặt các biện pháp chống dịch.
Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Tokyo, Nhật Bản tăng mạnh. Ảnh REUTERS |
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến thể Delta, nhiều nước trong khu vực chứng kiến số ca mắc mới theo ngày cao chưa từng có. Trong số khoảng 268.000 ca mắc Covid-19 trong một tuần qua tại Indonesia, có tới 86% số bệnh nhân nhiễm biến thể Delta. Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc vượt 20.000 người trong ngày 4/8. Trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang hoành hành, Hàn Quốc đã xác nhận 2 ca mắc biến thể Delta Plus.
Với hơn 39.000 ca, Iran ghi nhận số ca bệnh trong ngày cao chưa từng có. Số ca Covid-19 cũng tăng trở lại tại Ấn Độ, với trung bình 30.000 người mỗi ngày. Trong khi đó, tại Australia, thành phố Sydney có thêm 233 ca mới chỉ trong 24 giờ, chủ yếu nhiễm biến thể Delta.
Trong nỗ lực ứng phó diễn biến dịch nguy hiểm mới, Israel vốn có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới cũng phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế, chính phủ đồng thời hối thúc người dân tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Tại Nhật Bản, giới chức Tokyo và ba tỉnh lân cận là Saitama, Chiba, Kanagawa kêu gọi người dân tiêm vắc-xin và dừng các kế hoạch di chuyển.
New York trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ yêu cầu người dân có chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 khi tham gia các hoạt động ở không gian chung trong nhà. Quy định mới chính thức có hiệu lực từ giữa tháng 9 tới nhằm thúc đẩy người dân tiêm vắc-xin, trong bối cảnh số ca mắc mới tại New York tăng trở lại, phần lớn rơi vào các trường hợp chưa tiêm chủng.
Tại châu Âu, chưa đầy hai tháng sau khi bãi bỏ, một số khu nghỉ dưỡng ven biển ở Pháp phải tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ở ngoài trời. Giới chức y tế đảo Corsica của Pháp kích hoạt kế hoạch khẩn cấp đối phó làn sóng dịch thứ 4. Dù tỷ lệ mắc Covid-19 giảm, Ba Lan vẫn chuẩn bị 6.000 giường bệnh sẵn sàng phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Kết quả khảo sát tại vùng England của Anh cho thấy, chỉ khoảng 30% số người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 có nguy cơ tái nhiễm bệnh. Song giới chức Anh vẫn khuyến cáo người dân thận trọng.
WHO nhắc lại cảnh báo về tính nguy hiểm của biến thể Delta và nhấn mạnh rằng, thực tế phần lớn người dân trên thế giới chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có thể tạo “cơ hội” lớn hơn để biến thể mới, nguy hiểm hơn xuất hiện và lây lan. WHO kêu gọi mở rộng phạm vi phong tỏa tại các nước, khu vực có biến thể Delta lây lan nhanh và mở rộng quy mô tiêm chủng trên toàn cầu.
Theo nhandan.com.vn