Khi tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ chậm lại và số ca mắc COVID-19 tăng báo động, có một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc: Đã từng mắc COVID-19 thì có cần tiêm vắc-xin không?
Theo tờ National Geographic, bà Ruth Karron, Giáo sư tại khoa y tế công cộng Bloomberg tại Đại học Johns Hopkins, cho biết miễn dịch tự nhiên là vũ khí mạnh chống lại một số căn bệnh như thủy đậu hay sởi. Sống sót sau khi mắc bệnh có thể tạo miễn dịch tương đương, thậm chí mạnh hơn tiêm chủng. Hiện chưa rõ lắm về việc miễn dịch sau khi mắc COVID-19 có mạnh như miễn dịch nhờ tiêm vắc-xin hay không. Điều rõ ràng là vắc-xin hiện có tạo lá chắn bảo vệ quan trọng, ngăn ngừa ca mắc bệnh nặng và tử vong, kể cả với biến thể Delta. Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần một liều vắc-xin Moderna hoặc Pfizer là có thể tăng cường miễn dịch cho những người đã từng mắc COVID-19. Allison Greaney, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, nói: “Tôi khuyến nghị ai chưa tiêm vắc-xin thì đi tiêm càng sớm càng tốt”.
Kháng thể mạnh hơn nhờ vắc-xin
Tại trung tâm Fred Hutchinson, Greaney dẫn đầu nhóm nghiên cứu vừa đăng một nghiên cứu gần đây, nói rằng vắc-xin tạo miễn dịch mạnh hơn miễn dịch tự nhiên. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra cả nhóm tiêm vắc-xin và nhóm mắc bệnh đã hồi phục đều tạo ra kháng thể nhằm vào miền kết nối thụ thể (RBD). Đây là bộ phận mà SARS-CoV-2 dùng để dính và xâm nhập tế bào người. Nếu kháng thể gắn vào RBD, chúng có thể vô hiệu hóa virus. Nghiên cứu cho biết kháng thể của bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục dính chủ yếu vào một khu vực của RBD, trong đó gồm cả điểm E484 - một phần của virus đã đột biến ở một số biến thể. Trái lại, kháng thể của người đã tiêm vắc-xin bám dính rộng khắp miền này, cho phép chúng nhằm vào các khu vực vẫn hiện diện trong một số biến thể như Beta, Gamma và Delta. Amy Hartman, Phó giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pittsburgh, nhận định SARS-CoV-2 tìm mọi cách để che giấu RBD, sử dụng phân tử để khiến kháng thể khó phát hiện khu vực này hơn vì đây là chỗ dễ bị tổn thương nhất của virus. Tuy nhiên, vắc-xin công nghệ mRNA chuyên nhằm vào RBD và điều kháng thể mạnh tới đây. Greaney cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy miễn dịch nhờ vắc-xin mRNA dường như mạnh hơn miễn dịch tự nhiên trong nhiều trường hợp. Các nhà nghiên cứu đã biết rằng vắc-xin COVID-19 tạo ra mức kháng thể đáng tin cậy, cao tương đương hoặc cao hơn kháng thể ở người đã mắc COVID-19 thể nặng. Bà Ruth Karron nhận định công trình của nhóm tại Fred Hutchinson cho thấy tiêm chủng tạo kháng thể vừa nhiều hơn lại vừa tốt hơn.
Ý kiến trái chiều
Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho rằng miễn dịch tự nhiên có thể tạo kháng thể mạnh hơn. Một nhóm nghiên cứu đã đánh giá 254 người trong 8 tháng sau khi họ khỏi COVID-19 và phát hiện họ có phản ứng miễn dịch lâu dài và trên diện rộng. Điều này đúng với cả những người đã mắc COVID-19 thể nhẹ. Bà Charlotte Cunningham-Rundles, Giáo sư miễn dịch tại Trường Y Mount Sinai, cho biết: “Với kiến thức mà tôi có về virus SARS-CoV-2, tôi chưa rõ vắc-xin hay miễn dịch tự nhiên tốt hơn. Nhưng tôi cho rằng không có dữ liệu nào cho thấy ai đó đã mắc virus này thì không cần tiêm vắc-xin”. Hiện vẫn chưa rõ tại sao có bệnh nhân COVID-19 hồi phục có thể duy trì lớp phòng vệ hiệu quả với bệnh này nhưng ở một số bệnh nhân khác, lượng kháng thể lại giảm nhanh. Nhờ tiêm chủng, phần lớn mọi người được đảm bảo có phản ứng miễn dịch mạnh, kể cả những người đã từng mắc COVID-19. Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ cần một liều vắc-xin mRNA là có thể tăng mức kháng thể ở bệnh nhân đã hồi phục, giúp họ có phản ứng miễn dịch tương tự ở người chưa mắc bệnh mà tiêm hai mũi vaccine.
Tại Mỹ, trên 97% người nhập viện vì COVID-19 đều chưa tiêm vắc-xin. Mặc dù một tỷ lệ nhỏ người đã tiêm vẫn mắc bệnh nhưng triệu chứng nhẹ. Ngày 2-8, thượng nghị sĩ Lindsey Graham thông báo dương tính với virus nhưng chỉ gặp triệu chứng nhẹ. Ông nói: “Tôi rất mừng vì đã tiêm vắc-xin, vì nếu không tiêm, tôi chắc chắn tôi sẽ không thấy khỏe như bây giờ. Triệu chứng của tôi sẽ tồi tệ hơn nhiều”.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, chỉ 0,0018% tổng ca tử vong vì COVID-19 từ 14-12-2020 tới 19-7-2021 là ở người tiêm vắc-xin. Con số nhỏ bé này cho thấy vắc-xin có tác dụng. Bà Karron nói: “Với nhiều mầm bệnh, chúng ta đạt thành tựu khiêm tốn. Ví dụ như HIV hay sốt rét, không ai muốn mắc. Nhưng với nhiều loại mầm bệnh, đặc biệt là các loại mầm bệnh hô hấp như COVID-19, mục tiêu của chúng ta còn đơn giản hơn, chỉ là ngăn ca bệnh nặng và tử vong”./.
Theo Báo Tin Tức