Trong báo cáo gửi các nước thành viên, IAEA xác nhận Iran đã sử dụng 257g urani dưới dạng UF4 để sản xuất 200g kim loại urani làm giàu lên mức 20% U-235. IAEA khẳng định, đây là khâu thứ ba trong kế hoạch bốn bước của Tehran, trong đó bước thứ tư là chế tạo một tấm nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân. Chương trình làm giàu urani của Iran đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Mỹ cùng ba cường quốc châu Âu là Anh, Pháp và Ðức, với cáo buộc công nghệ và kiến thức trong quy trình này có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi tại cuộc họp báo ở Tehran ngày 21/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, Tổng thống mới của Iran, ông Ebrahim Raisi khẳng định, chương trình hoàn toàn có mục đích hòa bình và đang phát triển một mẫu nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân mới. Tổng thống Raisi giải thích, theo sắc lệnh của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, Iran cấm vũ khí hạt nhân và loại vũ khí này không nằm trong chiến lược phòng thủ của Tehran. Iran cáo buộc phương Tây gây áp lực bằng cách áp đặt các biện pháp cấm vận, song khẳng định các lệnh trừng phạt này sẽ không thể làm nhân dân Iran từ bỏ các quyền hợp pháp của mình.
Ðại sứ Iran tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Kazem Gharibabadi và người đồng cấp Nga Mikhail Ulyanov, ngày 17/8, thảo luận việc khởi động lại các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, nội dung cuộc thảo luận không được tiết lộ. Một quan chức cấp cao của Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết, Iran sẵn sàng nối lại đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân dưới thời Tổng thống Ebrahim Raisi và những cuộc gặp có thể diễn ra vào đầu tháng 9 tới tại Vienna.
Dư luận quốc tế lo ngại việc đôi co kiểu “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, sẽ khiến vấn đề hạt nhân của Iran đi vào ngõ cụt.
Theo nhandan.com.vn