Liban đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài hai năm qua. Tình trạng thiếu nhiên liệu khiến Chính phủ Liban phải cắt điện diện rộng, trong khi người dân xếp hàng dài tại một số ít trạm xăng còn mở cửa.
Xếp hàng chờ mua xăng ở Liban. |
Liban phải ứng phó cuộc khủng hoảng kinh tế mà theo Ngân hàng Thế giới (WB) là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19. Ngân sách quốc gia cạn kiệt khiến Liban không thể chi trả cho các hoạt động nhập khẩu chủ chốt cũng như trợ giá các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới tình trạng thiếu trầm trọng điện, xăng dầu, thuốc chữa bệnh. Lần đầu kể từ năm 1926, Công ty dầu mỏ Coral thông báo sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho các trạm xăng. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo hơn bốn triệu người ở Liban có thể đối mặt tình trạng thiếu nước nghiêm trọng hoặc bị cắt điện hoàn toàn.
Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ Liban hàng trăm triệu USD với điều kiện nước này phải thành lập một bộ máy chính phủ có thể tiến hành cải cách, giải quyết nạn tham nhũng. Phủ Tổng thống Liban cho biết Mỹ sẽ cung cấp khí đốt từ Ai Cập cho các nhà máy phát điện của Jordan để phát điện bổ sung, sau đó sẽ truyền tải qua Syria tới Liban đồng thời với nhập khẩu khí đốt của Liban. Liban cũng nỗ lực đàm phán với WB tìm nguồn kinh phí chi trả cho các khoản mua khí đốt. Tại hội nghị tài trợ quốc tế, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt mục tiêu quyên góp ít nhất 350 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp Liban.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chính trị ở Liban vẫn chia rẽ và chưa thể nhất trí về một chính phủ mới sau khi nội các cũ từ chức sau thảm kịch nổ kho hóa chất ở thủ đô Beirut vào đầu tháng 8/2020. Thủ tướng lâm thời của Liban Hassan Diab đã từ chối đề nghị của Tổng thống Michel Aoun triệu tập cuộc họp chính phủ để thảo luận về khủng hoảng nhiên liệu.
Theo Thủ tướng tạm quyền Hassan Diab, việc triệu tập cuộc họp như vậy nằm ngoài nhiệm vụ của một chính phủ lâm thời. Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Hassan Diab không đồng tình với Ngân hàng Trung ương Liban (CBL) về việc chấm dứt trợ cấp nhiên liệu vốn đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối của Liban. Chính phủ muốn giữ giá và trợ cấp nhiên liệu cho tới khi có biện pháp hỗ trợ người nghèo, đồng thời yêu cầu các nhà nhập khẩu và cơ sở kinh doanh nhiên liệu phải cung cấp số liệu về khối lượng nhiên liệu đã mua trước khi CBL quyết định cắt giảm trợ giá mặt hàng này từ đêm 11/8 vừa qua.
Khủng hoảng tài chính suốt hai năm qua khiến đồng bảng Liban mất 90% giá trị, đẩy hơn một nửa dân số rơi vào cảnh nghèo đói. Việc CBL cắt giảm trợ giá nhiên liệu càng khiến tình cảnh của người dân thêm khó khăn.
Theo nhandan.com.vn