Hiện chỉ 15% dân số thế giới được tiêm đầy đủ vaccine, và như vậy cuộc chiến toàn cầu chống virus SARS-CoV-2 nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19 dường như còn dài. Giám đốc điều hành (CEO) của Oramed, ông Nadav Kidron cho biết một loại vaccine có thể uống được đặc biệt hấp dẫn đối với các nước đang phát triển, vì giúp giảm gánh nặng hậu cần trong các chiến dịch tiêm chủng đại trà, ví dụ như không cần điều kiện bảo quản lạnh như vaccine dạng tiêm, vận chuyển dễ dàng hơn. Tuy nhiên, giải pháp này cũng sẽ thu hút các nước giàu, nơi không ít người cảm thấy không thoải mái với kim tiêm nên còn do dự khi đi tiêm phòng.
Theo một cuộc thăm dò gần đây, 19 triệu người Mỹ chưa tiêm chủng cho biết sẽ tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 nếu có một loại vaccine dạng viên để uống. Các lợi ích khác của vaccine dạng viên là giảm lượng xi-lanh và rác thải nhựa, đồng thời có thể giảm các tác dụng phụ. Mặc dù rất nhiều lợi thế, song hiện có rất ít loại vaccine được sản xuất dưới dạng viên uống thành công vì các nguyên liệu hoạt tính không tồn tại được trong suốt quá trình tiêu hóa dài trong đường ruột
Nhật Bản tổ chức Hội nghị Thế giới về chống bom A và bom H 2021
Hội nghị Thế giới về chống bom A và bom H năm 2021 đã chính thức khai mạc ngày 31-7 ngay trước dịp tưởng niệm 76 năm vụ ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8 này.
Năm nay, hội nghị quốc tế này đã được tổ chức tại thành phố Fukushima), Đông Bắc Nhật Bản. Hội đồng chống bom A và bom H Nhật Bản đã thêm Fukushima vào danh sách các địa điểm tổ chức sự kiện này sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân năm 2011. Hội nghị Thế giới về chống bom A và bom H năm nay được phát trực tuyến vì số lượng người tham dự sự kiện trực tiếp bị hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hội nghị “làm mới” lại lời kêu gọi hướng tới đạt được một thế giới không còn nhà máy hạt nhân, vũ khí hạt nhân và chiến tranh hạt nhân. Đây là hội nghị đầu tiên kể từ khi Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc có hiệu lực kể từ tháng 1-2021.
Myanmar cam kết sẵn sàng hợp tác với đặc phái viên của ASEAN
Ngày 1-8, Chủ tịch Hội đồng điều hành nhà nước (SAC) Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing cam kết tổ chức các cuộc bầu cử mới, đồng thời cho biết chính phủ nước này sẵn sàng hợp tác với bất cứ đặc phái viên nào được bổ nhiệm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo kế hoạch, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 54 khai mạc ngày 2-8, các bộ trưởng sẽ thảo luận việc thực hiện đồng thuận 5 điểm mà lãnh đạo các nước thành viên đạt được cuối tháng 4 vừa qua nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1-2 vừa qua sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) với cáo buộc có hành vi gian lận bầu cử. Sau khi tạm nắm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Ngày 26-7 vừa qua, chính quyền quân sự đã hủy kết quả cuộc bầu cử năm 2020, trong đó đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng./.
PV