Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist, vừa cho công bố danh sách các thành phố an toàn nhất thế giới, với ngôi vị số một thuộc về Copenhagen.
Với 82,4/100 điểm, thủ đô Đan Mạch đã lấy vị trí thứ nhất từ tay Tokyo. Xếp sau Copenhagen là Toronto (Canada), Singapore, Sydney (Australia), Tokyo. 5 thành phố còn lại thuộc Top 10 còn có Amsterdam (Hà Lan), Wellington (New Zealand),
Hong Kong, Melbourne (Australia) và Stockholm (Thụy Điển). Bình chọn thành phố an toàn nhất thế giới được EIU tiến hành hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2015. Ở lần công bố trước đó trong năm 2019, Thủ đô Tokyo của Nhật Bản giành ngôi đầu. EIU định ra 60 thành phố và sử dụng một loạt các bộ tiêu chí để phân loại, các tiêu chí được bổ sung theo từng năm đánh giá. Năm nay, EIU sử dụng 76 tiêu chí riêng lẻ thuộc 5 bộ tiêu chí trụ cột gồm có con người, hạ tầng, y tế, an ninh kĩ thuật số và an ninh môi trường. Trong mỗi bộ tiêu chí sẽ được phân loại ra thành nhiều nhóm nhỏ gắn với yếu tố an toàn, an ninh đầu vào như chính sách an ninh của chính quyền và yếu tố đầu ra như chất lượng không khí hay tỉ lệ tội phạm. An ninh môi trường gắn với tác động đại dịch là nhóm tiêu chí mới được bổ sung trong năm nay. Điều chỉnh này gắn với việc xem xét, đánh giá chính sách của chính quyền các thành phố nhằm cải thiện sức khỏe của môi trường tự nhiên và môi trường vật chất ở những khu vực đô thị, những vấn đề như căng thẳng nguồn cung ứng nước sạch hay độ che phủ của tán cây trong thành phố.
Lãnh đạo G7 khẳng định cam kết với quốc gia Tây Nam Á
Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 24-8 khẳng định cam kết của họ đối với Afghanistan, bao gồm việc “thông qua một nỗ lực nhân đạo mới của cộng đồng quốc tế”.
Trong một tuyên bố chung do Văn phòng Thủ tướng Anh, nước giữ cương vị chủ tịch luân phiên G7, đưa ra sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 khẩn cấp dưới hình thức trực tuyến, G7 cho biết nhóm này ủng hộ Liên hợp quốc trong việc điều phối công tác ứng phó nhân đạo quốc tế khẩn cấp trong khu vực, bao gồm việc tiếp cận nhân đạo không giới hạn ở Afghanistan và G7 sẽ đóng góp vào nỗ lực này. Tuyên bố của G7 nêu rõ: “Là một phần của nỗ lực đó, chúng tôi sẽ hợp tác cùng nhau và với các nước láng giềng cũng như các quốc gia khác trong khu vực để hỗ trợ người tị nạn Afghanistan và các nước tiếp nhận người tị nạn như một phần của nỗ lực phối hợp ứng phó dài hạn trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các đối tác của Afghanistan hỗ trợ nỗ lực này và ủng hộ sự ổn định khu vực thông qua các kênh đa phương”. Hội nghị thượng đỉnh G7 đã kết thúc mà không dẫn đến việc kéo dài thời hạn do Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra để các nước rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 31-8./.
PV