Thủ tướng Israel Naftali Bennett vừa kết thúc chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Mỹ và gặp Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, với trọng tâm thảo luận là vấn đề Iran. Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất đối với mối quan hệ giữa hai nước hiện nay, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran vẫn đang rơi vào bế tắc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái). Ảnh: AP/TTXVN |
Đây là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước đồng minh thân cận kể từ khi hai ông nhậm chức. Cuộc gặp đã phải lui lại một ngày so với dự kiến sau khi xảy ra vụ đánh bom đẫm máu tại sân bay ở Kabul (Afghanistan), khiến hàng trăm người thương vong, trong đó có 13 lính Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Tổng thống Biden cho biết hai bên nhất trí sẽ đưa ra thêm các biện pháp nhằm đảm bảo Iran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân bằng cách cố gắng thúc đẩy qua các kênh ngoại giao. Nếu thất bại, sẽ xem xét “các lựa chọn khác” để đối phó với Iran. Tuyên bố trên của ông Biden cho thấy mục đích cốt lõi của chuyến thăm và làm việc của nhà lãnh đạo Israel về cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân chỉ là một trong hai nội dung chính liên quan đến Iran được đưa ra trong các cuộc thảo luận song phương giữa hai nhà lãnh đạo cũng như các cuộc làm việc ở cấp bộ máy giúp việc. Song song với đó là chính sách của Iran trong khu vực, vốn được cho là đang gây khó chịu cho các quốc gia láng giềng, trong đó có Israel.
Nội dung quan trọng thứ hai của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Bennett là thiết lập mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Biden nhằm khẳng định rằng chính phủ mới ở Israel vẫn duy trì được vị thế của Nhà nước Do Thái là một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Tại cuộc làm việc, ông Biden đã gọi ông Bennett là “bạn” kèm lời khẳng định mối quan hệ Mỹ - Israel “vẫn đang rất tốt đẹp như vốn có”, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với mối quan hệ đang tiến triển tốt giữa Nhà nước Do Thái với một số quốc gia Hồi giáo Arab. Về phần mình, ông Bennett nhắc lại những nội dung đã được nhiều lần đề cập trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao giữa hai nước. Sau khi khẳng định Mỹ vẫn là đồng minh thân cận nhất, ông nhắc lại Israel là một quốc gia nhỏ, xung quanh có nhiều kẻ thù, vì vậy việc duy trì một sức mạnh và ưu thế quân sự đồng thời ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là một “yếu tố sống còn”. Tuy nhiên, Israel không đề nghị Mỹ trực tiếp giúp đỡ quân trong cuộc chiến chống lại các đối thủ, mà chỉ đề nghị hỗ trợ gián tiếp về tài chính và thiết bị quân sự. Israel sẽ tự giải quyết vấn đề riêng của mình. Nội dung này được cho là khá mới trong các cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ - Israel, trong bối cảnh Mỹ đang chủ trương cắt giảm can thiệp và rút quân đồn trú ở nước ngoài, nhất là sau khi sa lầy và thất bại tại Afghanistan.
Bên cạnh vấn đề Iran và Palestine, hai bên cũng thảo luận một số vấn đề hợp tác song phương khác, như cam kết tài trợ của Mỹ giúp Israel hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt”, hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và cơ chế miễn thị thực cho công dân của nhau.
Giới quan sát đánh giá chuyến thăm của ông Bennett đã đạt được các mục tiêu đối ngoại mà không tạo ra một sự thay đổi lớn cho các vấn đề an ninh khu vực, như vấn đề hạt nhân Iran hay cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Trong bối cảnh Chính phủ Israel mới được thành lập sau thời gian dài khủng hoảng chính trị, với thành phần gồm các đảng phái có nhiều bất đồng quan điểm, đây chỉ là chuyến thăm tạo tiền đề để tân Thủ tướng Israel xây dựng quan hệ cá nhân và chính trị với Tổng thống Biden và Mỹ - đối tác quan trọng nhất của Israel. Qua chuyến thăm này, ông Bennett đã có được lời khẳng định từ phía Tổng thống Biden về “mối quan hệ hữu nghị” giữa hai nước. Mục đích quan trọng nhất của chuyến thăm là thông điệp gửi tới Iran và các nước khác, nhấn mạnh rằng tân Thủ tướng Israel vẫn nhận được sự ủng hộ từ Nhà Trắng không kém những gì người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu; và chính phủ mới của Israel vẫn có vai trò không suy chuyển trong mối quan hệ song phương với Mỹ.
Về vấn đề Iran, trước chuyến thăm, ông Bennett đã gấp rút xây dựng một kế hoạch mới trong vòng 2 tháng với mục tiêu “kiềm chế Iran trên cả 2 mặt trận: sở hữu vũ khí hạt nhân và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực”, với hy vọng có thể thuyết phục Washington hợp tác. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Bennett sẽ khó lòng tạo ra một giải pháp trước mắt cho vấn đề hạt nhân Iran, ít nhất là tại vòng đàm phán mới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới. Trên thực tế, không chỉ các vấn đề Palestine và Iran, ngay cả Israel cũng không còn nằm trong danh sách ưu tiên trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Biden, vốn đã chuyển trọng tâm sang cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu. Hơn nữa, gần đây đã xuất hiện thêm vấn đề khiến Washington bận tâm sau khi lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát hoàn toàn tại Afghanistan, đẩy Mỹ vào tình thế thêm một lần thất bại khi đưa quân ra nước ngoài. Về vấn đề Palestine, tại cuộc gặp song phương, Tổng thống Biden đã nhắc lại thông điệp Mỹ muốn “thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho người Israel và người Palestine”. Với việc nhấn vào chữ “và” với hàm ý tái khẳng định sự ủng hộ “giải pháp hai nhà nước”, dường như ông Biden đã dành sự lựa chọn cho nhà lãnh đạo Israel.
Với tư cách là một nhà chính trị cực hữu, ông Bennett đang đứng trước một vấn đề gai góc, xử lý chính sách của Israel đối với người Palestine ra sao để không khoét sâu thêm bất đồng với đối tác thân cận Mỹ. Xét những bối cảnh phức tạp nêu trên, chuyến công du của tân Thủ tướng Bennett nếu được gọi là thành công thì cũng chỉ là một thành công trên danh nghĩa./.
Theo TTXVN