Tổng thống Joe Biden quyết bảo vệ kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, bất chấp cảnh báo việc đẩy nhanh tiến trình này có thể làm suy yếu an ninh nước sở tại. “Kế hoạch rời đi” của Nhà trắng bị gắn với thực tế Taliban gia tăng tiến công; và dư luận vẫn kêu gọi Mỹ thể hiện trách nhiệm với hòa bình ở Afghanistan.
Những nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên đã được rút khỏi Afghanistan. Ảnh: REUTERS |
Gần như cùng thời điểm Tổng thống Biden ấn định hạn chót mới đưa toàn bộ binh sĩ Mỹ về nước, lực lượng Taliban cũng công bố “thành quả” mở rộng chiếm giữ các vùng lãnh thổ Afghanistan. Ông Biden hôm 8/7 cho biết, khoảng 90% quân số Mỹ đã được rút đi; đến ngày 31/8 tới, lực lượng Mỹ sẽ chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện tại Afghanistan, kết thúc cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài dài nhất trong lịch sử “xứ cờ hoa”. Taliban tuyên bố đã kiểm soát tới 85% diện tích Afghanistan và nhấn mạnh “các lực lượng nước ngoài rút sớm ngày nào, tốt ngày đó”.
Giải thích quyết định tăng tốc rút quân, Tổng thống Biden tránh đề cập “chiến thắng” tại Afghanistan, mà chỉ nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ đã đạt mục tiêu, đó là tiêu diệt trùm khủng bố của mạng lưới Al-Qaeda và chặn các mối đe dọa tiến công nhằm vào nước Mỹ, xuất phát từ Afghanistan. Ông Biden nhấn mạnh, lực lượng Mỹ tới Afghanistan không phải để xây dựng đất nước Nam Á, mà đó là trách nhiệm của người dân nước này. Người Afghanistan phải tự quyết tương lai và cách thức điều hành quốc gia.
Việc Mỹ đẩy nhanh rút quân phù hợp điều khoản theo thỏa thuận lịch sử ký với Taliban năm 2020, đổi lại Taliban thực thi cam kết ngừng tiến công, đối thoại với chính phủ và bảo đảm Afghanistan không là nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, bạo lực lại gia tăng, dù không chỉ Mỹ, mà nhiều nước đẩy nhanh tiến độ rút binh sĩ trong thành phần lực lượng NATO tại Afghanistan. Tuần trước, Anh cho biết đã đưa hầu hết binh sĩ về nước. Mới nhất, Australia ngày 11/7 xác nhận đã hoàn tất việc rút quân.
Chính phủ Afghanistan bác bỏ tuyên bố của Taliban về kiểm soát nhiều vùng trên cả nước. Song, các lực lượng chính phủ ngày đêm chật vật chống chọi các cuộc tiến công, ngăn chặn Taliban mở rộng chiếm đóng các vùng lãnh thổ. Thiếu sự hỗ trợ của lực lượng nước ngoài đã giúp bảo đảm an ninh suốt 20 năm qua, chính phủ Afghanistan gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn bạo lực, duy trì an ninh. Trong khi đó, cả Kabul và Taliban thể hiện thiện chí nối lại đối thoại, song lịch trình và nội dung đàm phán vẫn chưa được ấn định cụ thể.
Tình hình rối ren tại Afghanistan gây quan ngại, dư luận kêu gọi các bên ngừng giao tranh, kiềm chế hành động có thể làm căng thẳng leo thang, các lực lượng nước ngoài, trong đó có Mỹ, bảo đảm việc rời đi một cách có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định của quốc gia Nam Á.
Theo nhandan.com.vn