Ngày 26/7, Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA) cho biết, trong vòng 24 giờ qua, nhà chức trách nước này đã phát hiện thêm hơn 15 nghìn ca nhiễm Covid-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này chính thức vượt cột mốc nửa triệu người.
Người dân Bangkok đang chờ tiêm vaccine tại điểm tiêm chủng ở ga Bang Sue. (Ảnh: Bưu điện Bangkok) |
Số ca nhiễm mới gia tăng ngày 26/7 cũng đã lập kỷ lục mới về số ca nhiễm mới trong một ngày, cao hơn một chút so với con số 15.335 ca của ngày Chủ nhật. Tuy nhiên, số ca tử vong trong một ngày qua chỉ dừng ở con số 87 người, thấp hơn so với một ngày trước đó.
Tiến sĩ Apisamai Srirangson, trợ lý phát ngôn viên của CCSA, cho biết số ca tử vong mới được ghi nhận tại nhiều tỉnh chứ không còn tập trung tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận như trước nữa. Phần lớn trong số đó là những người già và những người có bệnh nền. Trong đó có 5 người tử vong tại nhà.
Trong số những ca nhiễm Covid-19 mới trong một ngày qua, có 14.321 ca là lây nhiễm trong cộng đồng và 14 ca nhập cảnh. Số ca nhiễm này chưa bao gồm những người kết quả dương tính nhưng sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Thủ đô Bangkok hiện vẫn là tâm dịch với 2.573 ca nhiễm mới, tiếp theo đó là tỉnh Samut Sakhon với 1.074 ca, Samut Prakan với 970 ca và tỉnh Chon Buri với 867 ca.
Bà Apisamai nói: “Thủ đô Bangkok vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới tương đối cao. Tuy nhiên, khoảng 88% trong số đó được đánh mã xanh, tức là các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ. Các bệnh nhân này sẽ phải cách ly tại nhà và liên lạc các nhân viên y tế để tiến hành điều trị tại nhà”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Chakkarat Pittayawong-anont, phụ trách bộ phận dịch tễ học thuộc Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan (DDC) nhận định, tốc độ lây lan Covid-19 ở thủ đô Bangkok sẽ giảm xuống trong vòng từ bốn tới sáu tuần tới. Còn các tỉnh, sẽ xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 từ những người từ vùng dịch trở về nhà để chăm sóc và điều trị.
Ông khẳng định, tình hình dịch Covid-19 ở Bangkok khác với các tỉnh lân cận. Bất chấp số ca nhiễm tăng mạnh, nhưng tỷ lệ tiêm phòng ở thủ đô hiện đã ở mức tương đối cao, đạt 50% dân số.
Trả lời câu hỏi về việc liệu có áp đặt biện pháp phong tỏa kiểu Vũ Hán (Trung Quốc), khi số ca nhiễm ở Thái Lan gia tăng hằng ngày đã lên tới năm con số hay không, ông nói: “Các ca lây nhiễm ở Bangkok có thể sẽ chững lại và tình hình có dấu hiệu cải thiện trong vòng từ 4 đến 6 tuần. Nhưng các tỉnh sẽ có số ca nhiễm tăng cao. Bởi vậy chúng ta cần hợp tác để tránh áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt giống như ở Vũ Hán”.
Ông kêu gọi các chủ doanh nghiệp và nhà máy triển khai “phương pháp bong bóng và niêm phong” nếu trong khuôn viên nhà máy, doanh nghiệp không có ca nhiễm. Còn đối với những cơ sở phát hiện có ca nhiễm, họ được khuyến cáo cần tránh dừng hoạt động bởi điều đó sẽ khiến các công nhân quay trở về nhà và có thể gây truyền nhiễm trong cộng đồng. Mặc dù vậy, các nhà máy, doanh nghiệp đó cần thiết lập biện pháp cách ly để kiểm soát sự lây nhiễm dịch.
Ông thừa nhận rằng nguồn lực y tế công cộng bị hạn chế và cần triển khai chiến lược hạn chế tối đa số ca nghiêm trọng cần phải điều trị tại bệnh viện. Hiện các tỉnh đã giúp giảm gánh nặng cho Bangkok và các tỉnh lân cận sau khi chấp nhận các bệnh nhân từ khu vực này quay về để chữa bệnh.
Theo nhandan.com.vn