Ngày 26-7, Hãng Thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời một quan chức tư pháp cho biết lực lượng an ninh và tình báo nước này đã phát hiện một nhóm khủng bố và bắt giữ 36 nghi phạm trên toàn quốc.
Ông Kazem Mousavi, Chánh án Tòa án tỉnh Fars, thông báo các nhân viên an ninh chống khủng bố đã bắt giữ 11 nghi phạm tại tỉnh Fars cùng 25 nghi phạm khác ở các tỉnh miền Đông và miền Tây nước này. Các đối tượng đã âm mưu tiến hành nhiều vụ khủng bố liên hoàn tại một loạt địa phương với sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài. Nhóm này cũng đã đăng một đoạn video lên mạng nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi. Chánh án Tòa án Mousavi tiết lộ thêm các phần tử khủng bố vừa bị bắt giữ có liên quan tới nhóm khủng bố “Takfiri”. Lực lượng an ninh đã thu giữ lượng lớn vũ khí và đạn dược trong chiến dịch này.
Anh, Pháp ký hiệp ước an ninh hàng hải mới
Ngày 26-7, trong chuyến thăm và làm việc tại Paris, Ngoại trưởng Anh và người đồng cấp Pháp đã đồng ý một hiệp ước an ninh hàng hải mới giữa Anh và Pháp.
Hiệp ước mới được ký kết nhằm mục đích củng cố an ninh của Anh và Pháp thông qua việc tăng cường phối hợp giữa lực lượng thực thi pháp luật của hai bên ứng phó khẩn cấp để ứng phó với các cuộc khủng bố, hoặc sự cố khẩn cấp xảy ra trên tuyến hàng hải tại eo biển Manche, nối hai bờ biển giữa Anh và Pháp. Hiệp ước bao gồm các điều khoản cho phép Anh và Pháp chia sẻ thông tin bảo mật liên quan đến các mối đe dọa bảo mật tiềm ẩn, gắn kết các phản ứng ban đầu nhanh hơn và mạnh hơn đối với các sự cố bảo mật, phối hợp các phản ứng chung hiệu quả hơn và hợp tác hiệu quả hơn khi xảy ra một cuộc tấn công khủng bố hoặc sự cố khẩn cấp. Hiệp ước cho phép lực lượng an ninh của Anh và Pháp cùng can thiệp để bảo đảm an toàn cho người dân. Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau khi cả hai quốc gia phê chuẩn chính thức và được thiết kế để giảm thiểu sự cố an ninh có nguy cơ cao xảy ra trên các chuyến phà hoặc tàu lớn khác di chuyển qua lại trong eo biển Manche.
WB, COVAX công bố kế hoạch tăng tốc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển
Ngân hàng Thế giới (WB) và chương trình phân phối vaccine toàn cầu (COVAX) vừa công bố một cơ chế tài chính mới nhằm thúc đẩy việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển. Các quốc gia này có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với các nước giàu.
Thỏa thuận của Ngân hàng Thế giới với COVAX, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, sẽ giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận với vaccine bổ sung bên cạnh các liều được hỗ trợ hoàn toàn. Cơ chế này sẽ cho phép COVAX mua trước - với giá cạnh tranh hơn - từ các nhà sản xuất vaccine dựa trên tổng cầu giữa các quốc gia, bằng nguồn tài chính từ WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác. Cơ chế mới được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo động về tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở các nước thu nhập thấp. Theo số liệu của Our World in Data, chỉ 1,1% người dân ở các nước này đã nhận được ít nhất một liều vaccine, so với 26,9% tổng dân số thế giới. Các chuyên gia y tế toàn cầu cảnh báo rằng đại dịch sẽ tiếp tục lan rộng và có nhiều biến thể mới cho tới khi có một số lượng lớn người dân trên toàn cầu được tiêm chủng./.
PV