Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ảnh hưởng lớn tới kinh tế Thái Lan

08:07, 30/07/2021

Ngày 29/7, Bộ Tài chính Thái Lan tiếp tục cắt giảm dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay của nước này xuống chỉ còn 1,3%, so với mức dự báo 2,3% được đưa ra vào tháng 4 trước đó. Trong khi đó, tờ Bloomberg cho rằng Thái Lan có thể sẽ trở thành nền kinh tế trì trệ nhất trong khối ASEAN năm 2021.

Nhiều trung tâm thương mại ở Bangkok vắng vẻ khi lệnh phong tỏa được áp đặt để kiềm chế đợt bùng phát dịch Covid-19. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)
Nhiều trung tâm thương mại ở Bangkok vắng vẻ khi lệnh phong tỏa được áp đặt để kiềm chế đợt bùng phát dịch Covid-19. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Theo dự báo mới nhất được Bộ Tài chính Thái Lan đưa ra, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay sẽ ở mức từ 0,8% đến 1,8%, với ước tính Thái Lan sẽ đón tiếp 300.000 lượt khách quốc tế, thấp hơn 96% so với năm trước. Bộ này cũng đưa ra dự báo dựa trên tính toán rằng các lệnh phong tỏa chỉ kéo dài trong một tháng và đỉnh điểm của dịch là vào tháng 8.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Kulaya Tantitemit, Cục trưởng Cục Chính sách tiền tệ của Bộ Tài chính Thái Lan nói: “Chúng tôi đã giảm đáng kể dự báo tăng trưởng… nhưng tốc độ tăng trưởng (với phạm vi từ 0,8 đến 1,8%) vẫn còn ở mức tăng trưởng dương”. Bà cho rằng đợt bùng phát dịch hiện nay đã ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế cũng như số lượng du khách quốc tế tới Thái Lan trong năm nay. Tuy nhiên, Thái Lan hy vọng xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế và ngăn chặn đà suy thoái GDP.

Bà Kulaya cho biết Bộ Tài chính đã sẵn sàng triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ vào thời điểm thích hợp bởi tình hình tài chính vẫn vững chắc và tỷ lệ nợ công, hiện vẫn ở dưới mức trần 60%, có thể được nâng lên nếu cần thiết. Năm 2020, Chính phủ Thái Lan đã lập kế hoạch vay thêm 1 tỷ bạt để chống lại đại dịch và đã bổ sung thêm 500 triệu bạt trong năm nay. Hồi giữa tháng 7, Thái Lan cũng đã phê chuẩn bộ khoản ngân sách bổ sung 30 tỷ bạt vào giữa tháng 7 để bồi thường cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch mới nhất.

Trong khi đó, tờ Bloomberg ước tính tăng trưởng GPD của Thái Lan trong năm nay có khả năng chỉ đạt mức 1,8%. Mức tăng trưởng này là tương đối thấp khi tính tới việc nền kinh tế Thái Lan đã bị tăng trưởng âm 6,1% trong năm 2020, mức suy thoái nặng nề nhất trong vòng hai thập kỷ. Tờ này dẫn lời ông Charnnon Boonuch, một nhà kinh tế thuộc tập đoàn Nomura Holding ở Singapore đánh giá: “Chúng tôi cho rằng Thái Lan sẽ bị tụt lại sau trong khu vực với tăng trưởng GPD thấp nhất trong khối ASEAN cả trong hai năm 2021 và 2022. Theo dự báo của chúng tôi, nền kinh tế Thái Lan sẽ không thể quay trở về mức trước đại dịch Covid-19 trước quý 3-2022, chậm nhất trong khối ASEAN”.

Bangkok và 12 tỉnh khác, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Thái Lan, hiện đang bị áp đặt lệnh phong tỏa và giới nghiêm kể từ tuần trước do biến chủng Delta đang lây lan mạnh, đe dọa làm sụp đổ hệ thống y tế công cộng. Ngân hàng Thái Lan cho rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 có thể khiến tốc độ nền kinh tế Thái trong năm nay bị giảm đi 2% nếu các biện pháp kiềm chế dịch không có tác dụng và đợt bùng phát kéo dài tới cuối năm.

Trong ngày 29/7, Bộ Y tế Thái Lan công bố số liệu cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 17.669 ca nhiễm mới và 165 ca tử vong do Covid-19, lập kỷ lục mới về số ca nhiễm và tử vong hằng ngày kể từ đầu đại dịch. Bộ Y tế Thái Lan hy vọng đợt bùng phát dịch lần này sẽ bắt đầu dịu lại vào tháng 10 tới.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com