Ngày 14-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên đường tới Washington, bắt đầu chuyến thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden. Chuyến thăm Mỹ của bà Merkel mang theo thông điệp hòa hợp trong nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương sau những bất đồng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Merkel là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ 3, sau Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sẽ gặp Tổng thống Joe Biden ở Nhà Trắng kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1-2021. Đây cũng là chuyến thăm chia tay của bà Merkel sau gần 16 năm nắm quyền lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu và diễn ra chỉ hai tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
Quan hệ Đức - Mỹ “thăng hoa” dưới thời cầm quyền của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, mối thân tình Đức - Mỹ đã quay ngoắt 180 độ kể từ khi ông Trump nhậm chức đầu năm 2017.
“Phá băng” quan hệ Mỹ - Đức là mong muốn mà Thủ tướng Merkel hướng tới kể cả khi nhiệm kỳ của bà kết thúc sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới. Về phần mình, Tổng thống Biden mong muốn cải thiện quan hệ với Đức, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong việc phối hợp giải quyết các thách thức hiện tại, bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế...
Điểm nổi bật trong chuyến thăm Mỹ của bà Merkel chính là cuộc hội đàm với ông Biden tại Nhà Trắng vào ngày 15-7 (theo giờ Washington). Hai lãnh đạo thảo luận một loạt vấn đề, từ cam kết thúc đẩy hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương cho đến tình hình an ninh đang xấu đi ở Afghanistan, an ninh mạng, ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, các vấn đề thương mại...
Bên cạnh đó, Đức và Mỹ cũng khó có thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới chính sách đối với Trung Quốc. Trong suốt 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Merkel là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ kinh tế giữa Đức và châu Âu với Trung Quốc. Trái lại, chính quyền Tổng thống Biden coi Trung Quốc là “mối đe dọa”. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức sẽ chỉ kêu gọi Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu khí carbon, tăng cường hệ thống y tế toàn cầu và mở cửa thị trường hơn nữa. Ngoài những vấn đề nêu trên, giữa Đức và Mỹ cũng tồn tại một số bất đồng khác, trong đó có chủ trương của Mỹ tạm dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 để giúp tăng cường sản xuất vaccine, trong khi Đức lại phản đối ý tưởng này. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn từ chối nới lỏng hạn chế đi lại đối với châu Âu.
Dù tồn tại một số bất đồng chưa thể hóa giải trong một sớm một chiều, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Merkel lần này được kỳ vọng sẽ “phá băng” đưa quan hệ đồng minh Mỹ - Đức trở về quỹ đạo vốn có của nó, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung, mở ra thời kỳ mới của quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương./.
Theo Báo QĐND