Quan hệ giữa Israel và các nước Arab có những bước ngoặt quan trọng khi Nhà nước Do Thái đã chỉ định đại sứ tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cũng là đại sứ đầu tiên của Israel ở vùng Vịnh. Ðộng thái này là một phần trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và mở đường cho các động thái tương tự với các quốc gia Arab khác.
Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE (bên phải) đón người đồng cấp Israel trong chuyến thăm Abu Dhabi. Ảnh News WWC |
Bộ trưởng Ngoại giao Israel Yair Lapid đã chọn nhà kinh tế Amir Haik đảm nhiệm vị trí đại diện ngoại giao của Israel tại UAE. Ông Lapid cho rằng, với kinh nghiệm và hiểu biết phong phú về kinh tế và du lịch, ông Haik, từng làm Vụ trưởng tại Bộ Công nghiệp, Thương mại và Việc làm, là lựa chọn đúng đắn nhằm thiết lập cầu nối giữa Israel và UAE. Trước đó, Israel cũng đã khai trương Tổng Lãnh sự quán tại thành phố Dubai của UAE. Cơ quan đại diện ngoại giao này sẽ cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho UAE và những người từ UAE muốn đến Israel. Trong bối cảnh UAE và Israel đang nỗ lực phục hồi toàn diện sau đại dịch, hai nước cũng đã ký thỏa thuận kinh tế, thương mại lịch sử với kỳ vọng về một giai đoạn hợp tác song phương mới và mối quan hệ giữa UAE và Israel sẽ phát triển trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
UAE là nước thứ ba ở vùng Vịnh thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994; tiếp theo là Bahrain, Sudan và Maroc cũng đã có động thái tương tự. Các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel với UAE, Bahrain, Maroc và Sudan do Mỹ làm trung gian đã được ký kết. Tuy nhiên, các thỏa thuận này bị chỉ trích là đi ngược lại chính sách của Liên đoàn Arab gắn vấn đề bình thường hóa quan hệ với Israel với việc thành lập Nhà nước Palestine.
Trong các bước đi nhằm cụ thể hóa việc cải thiện mối quan hệ với các quốc gia Arab, Hãng hàng không Israir của Israel đã thực hiện chuyến bay thương mại trực tiếp từ Israel tới Maroc, lần đầu kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Israir dự kiến mỗi tuần có hai đến ba chuyến bay như vậy. Gần đây, Israel đã ký một số thỏa thuận hợp tác về kinh tế, trong đó có việc Israel tăng gấp đôi nguồn cung cấp nước ngọt cho Jordan. Israel cam kết sẽ cung cấp thêm 50 triệu mét khối nước cho Jordan, quốc gia đang đối mặt nguy cơ hạn hán nghiêm trọng. Theo hiệp ước hòa bình song phương ký năm 1994, mỗi năm Israel sẽ cung cấp cho Jordan khoảng 30 triệu mét khối nước ngọt. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tăng kim ngạch xuất khẩu của Jordan vào khu Bờ tây của Palestine từ 160 triệu USD lên khoảng 700 triệu USD trong năm nay. Jordan vốn là đối tác an ninh quan trọng của Israel, nhưng quan hệ giữa hai nước gặp trục trặc liên quan căng thẳng giữa Israel và Palestine. Hồi tháng 3, cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hủy chuyến thăm UAE bởi cáo buộc Jordan không cho chuyên cơ chở ông bay qua không phận vương quốc này.
Các động thái sưởi ấm quan hệ giữa Israel với một số quốc gia Arab được hy vọng sẽ mở ra cánh cửa hợp tác mới cho cả hai phía. Tuy nhiên, các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do Thái với các quốc gia Arab vẫn đối mặt nhiều thách thức nếu các bên liên quan không tìm kiếm được giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine, một vấn đề cần được ưu tiên giải quyết vì hòa bình ở khu vực.
Theo nhandan.com.vn