Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo tăng chi cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu, từ mức 28% lên 35%, đồng thời đưa ra lộ trình giúp các nước đang phát triển đạt mục tiêu như cam kết trong Thỏa thuận Paris. Trước cảnh báo về hậu quả của biến đổi khí hậu ở mức độ chưa từng thấy, hơn bao giờ hết, các hành động ngăn chặn trái đất nóng lên cần được tăng tốc.
Các nhà khoa học nhiều lần gióng lên “hồi chuông cảnh báo” về thực trạng đáng lo ngại của tình trạng biến đổi khí hậu. Dự thảo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc cho rằng, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của nhiều hệ sinh thái trên trái đất sắp vượt ngưỡng. Nếu nhiệt độ trái đất tăng 2oC, khoảng 15% lớp băng vĩnh cửu có nguy cơ “bốc hơi” vào năm 2100, tạo ra 36 đến 67 tỷ tấn carbon phát thải và vòng luẩn quẩn này khiến trái đất tăng nhiệt nhiều hơn. Diện tích của biển băng trong mùa hè ở Bắc Cực hiện chỉ bằng một nửa so với cách đây 10 năm.
Những con số đáng báo động về hệ sinh thái, môi trường đã được đưa ra, theo đó tỷ lệ tuyệt chủng ước tính cao hơn 1.000 lần so với mức thế kỷ trước. Nếu nhiệt độ tăng từ 2 đến 3oC so với mức thời tiền công nghiệp, khoảng 54% các loài sinh vật biển và đất liền có nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ này.
Biến đổi khí hậu làm sụt giảm năng suất các vụ mùa lớn và tình trạng này được dự báo tiếp diễn trong suốt thế kỷ 21, gia tăng sức ép lên các quốc gia đông dân và các nước nghèo. Ước tính, thêm 80 triệu người có nguy cơ đói nghèo vào năm 2050. Nếu không giảm lượng khí thải, đến năm 2050 sẽ có hơn 85 triệu người châu Phi ở vùng cận sa mạc Sahara mất nhà ở do biến đổi khí hậu.
Tại châu Á, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì các tác động của khí hậu thay đổi sẽ tăng 6 lần trong giai đoạn 2020-2050. Khoảng 170 triệu người trên thế giới sẽ chịu tác động từ tình trạng khô hạn khắc nghiệt nếu trái đất nóng thêm 3oC. Cũng với mức tăng nhiệt này, số người có nguy cơ tử vong cao tại châu Âu sẽ tăng ba lần...
Biến đổi khí hậu đang ở mức nguy cấp và các quốc gia phát triển, trong đó có Mỹ và các nước Liên hiệp châu Âu (EU), đang nỗ lực đi đầu chống biến đổi khí hậu. Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự luật mang tính bước ngoặt nhằm đưa các mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU có tính ràng buộc pháp lý, mở đường cho cải cách chính sách nhằm giảm nhanh hơn lượng khí thải CO2.
Vấn đề khí hậu trở thành trọng tâm trong mọi chương trình của WB, cho thấy các thể chế tài chính “vào cuộc” mạnh hơn.
Trong hành động bảo vệ hành tinh xanh, các nền kinh tế lớn cần đẩy mạnh cắt giảm khí CO2, việc hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển đủ nguồn lực để cắt giảm khí thải. Hành động này không biên giới và vì mục tiêu chung là chống biến đổi khí hậu. /.
Theo Báo Nhân Dân