Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (GEP) mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, với tốc độ phục hồi hậu suy thoái nhanh nhất trong 80 năm trở lại đây. Tuy mức tăng trưởng không đồng đều, song tại một số khu vực vốn hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 vẫn chứng kiến tốc độ phục hồi mạnh hơn dự báo.
Tốc độ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở các nước phát triển cùng với các gói hỗ trợ tiếp tục được tung ra như “liều thuốc trợ lực” cho nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của WB, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm 2021, nhanh hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 1. Mỹ được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ là 6,8%. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 8,5%. Đáng chú ý, khu vực Nam Á, vốn bị đại dịch Covid-19 hoành hành nghiêm trọng, song dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến, với 6,8% vào năm 2021. GDP của Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất khu vực này, được dự báo sẽ tăng 8,3% trong tài khóa 2021-2022, nhờ các kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn và y tế cũng như sự phục hồi mạnh hơn dự báo của các ngành dịch vụ. Các triển vọng tăng trưởng tốt hơn đã khỏa lấp đi những thiệt hại đáng kể do COVID-19 gây ra đối với hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở Nam Á, nhất là Ấn Độ và tốc độ tiêm phòng vắc-xin chậm chạp ở một số quốc gia thuộc khu vực này khiến sự phục hồi không thể giúp thu hẹp khoảng cách với các xu hướng trước đại dịch. WB dự báo kinh tế Ấn Độ tăng trưởng chậm lại ở mức 7,5% trong tài khóa 2022-2023.
Năm 2021, dịch bệnh vẫn còn dai dẳng trên thế giới, nhưng tác động của nó có thể sẽ suy giảm đáng kể. Ảnh: Internet |
Với các chỉ số tích cực, Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và các biện pháp hạn chế lưu thông được siết chặt tại một loạt nước đã gây ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế, cũng chứng kiến những dấu hiệu khả quan về phục hồi kinh tế. Khu vực này được dự báo về khả năng đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm 2021, cao hơn so mức dự báo 3,2% được đưa ra hồi đầu năm.
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tiến độ của chương trình tiêm chủng, các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội và khả năng tăng giá của nguyên liệu thô trên thị trường thế giới. Hai nền kinh tế lớn nhất khu vực được dự báo có thể ghi nhận những bước tăng trưởng đáng khích lệ trong năm 2021 là Bra-xin có thể đạt 4,5% nhờ vào những khoản thanh toán trực tiếp, và Mê-hi-cô, có thể tăng trưởng tới 5% nhờ sự gia tăng của nhu cầu tại thị trường Mỹ trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng của khu vực Trung Mỹ cũng có thể đạt mức 4,8% nhờ vào sự quay trở lại của dòng kiều hối và sự gia tăng về giá của các sản phẩm cơ bản. Mặc dù vậy, theo đánh giá của WB, tình hình việc làm ở khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê vẫn chưa thể trở lại mức độ như trước khi bùng phát đại dịch. Nguồn thu của số đông người dân bị suy giảm khiến cho tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực ở nhiều nước trở nên trầm trọng hơn.
Mặc dù “bức tranh kinh tế” đã tươi sáng hơn ở nhiều quốc gia, khu vực, song tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn có thể không bù đắp được thực tế là đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến các nước nghèo nhất và tác động nhiều hơn đến các nhóm dễ bị tổn thương. WB cảnh báo, các nước nghèo đang bị bỏ lại phía sau và sẽ mất nhiều năm để trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Định chế tài chính này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng ở khoảng 40% thị trường đang nổi và các quốc gia đang phát triển. Bởi thế, nếu không tính đến sự vượt lên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc thì các nước này sẽ chỉ tăng trưởng 4,4%. Báo cáo của WB cũng cắt giảm dự báo đối với các nước có thu nhập thấp trong năm nay và năm 2022 với kỳ vọng chỉ tăng trưởng 2,9%, mức thấp nhất trong hai thập kỷ nếu không tính năm 2020. WB cảnh báo, trước cuối năm nay, hơn 100 triệu người sẽ rơi trở lại ngưỡng cực nghèo. Chuyên gia kinh tế của WB A.Cô-xê nhận định, phải đến năm 2023 và sau đó, hầu hết các nền kinh tế mới trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch.
“Sức khỏe” nền kinh tế toàn cầu đang dần “vực dậy” sau đại dịch, song vẫn phụ thuộc phần lớn vào tốc độ “phủ sóng” vắc-xin trên toàn thế giới. Chủ tịch WB Đ.Man-pát nhấn mạnh, cần phối hợp các nỗ lực toàn cầu để đẩy nhanh việc phân phối vắc-xin ngừa COVID-19 và giảm nợ, nhất là cho các nước có thu nhập thấp. Đây cũng là vấn đề được các tổ chức tài chính khác, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quan tâm. Bên cạnh sáng kiến giãn nợ cho các nước nghèo, Tổng Giám đốc IMF khẳng định, tiêm chủng cho người dân trên toàn thế giới là giải pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn. Theo ước tính của IMF, việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng có thể thúc đẩy đà phục hồi của các hoạt động kinh tế, qua đó mang lại cho nền kinh tế thế giới số tiền tương đương khoảng 9.000 tỷ USD vào năm 2025./.
Theo Báo Nhân Dân