Ngày 10-6, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo một số chính sách đối ngoại của Pháp trong thời gian tới gồm kế hoạch chấm dứt Chiến dịch Barkhane ở khu vực Sahel (châu Phi), viện trợ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo và ngăn chặn việc kích động hận thù trên mạng và chống người thi hành công vụ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo ngày 10-6. (Ảnh: Le Monde) |
Trong cuộc họp báo được tổ chức trước thềm Hội nghị cấp cao G7 ở Anh và Hội nghị cấp cao NATO ở Brussels (Bỉ), Tổng thống Pháp cho biết, sự hiện diện quân sự của Pháp ở Sahel sẽ có sự thay đổi lớn. Đó là kế hoạch chấm dứt Chiến dịch Barkhane, sẽ dẫn tới việc đóng cửa các căn cứ quân sự, thay vào đó liên kết các quốc trong khu vực và tăng cường lực lượng đặc nhiệm để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố.
Theo Tổng thống Pháp, sự hiện diện quân sự theo cách thức như hiện nay và hoạt động với quy mô hơn năm nghìn binh lính không còn phù hợp với thực tế giao tranh hiện nay. Do vậy, các lực lượng đặc biệt sẽ được triển khai để phối hợp các lực lượng của các nước châu Phi và quốc tế.
Bộ Quân đội Pháp cho biết, việc chuyển đổi chiến dịch Barkhane sẽ kéo dài vài tháng và sẽ được thực hiện với sự tham vấn của các đối tác ở châu Phi gồm năm quốc gia trong khu vực Sahel (Burkina Faso, Mali, Mauritania, Niger và Chad), châu Âu và Mỹ. Như vậy, Pháp sẽ rút các lực lượng thông thường và tăng cường lực lượng đặc nhiệm.
Quân đội Pháp bắt đầu hiện diện ở Sahel từ năm 2013, hỗ trợ các nước trong khu vực làm suy yếu hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Al-Qaeda. Chi phí lớn và có 50 binh lính thiệt hại buộc Pháp phải thay đổi giải pháp chống khủng bố ở khu vực này, rút các lực lượng thông thường và tăng cường lực lượng đặc biệt, nhất là cho chiến dịch Takuba hiện có khoảng 600 lính đặc nhiệm gồm một nửa là người Pháp.
Đề cập vấn đề viện trợ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, nhất là ở châu Phi, Tổng thống Pháp hy vọng G7 có thể xem xét và hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu "60% người dân ở châu Phi được tiêm chủng vào cuối quý I-2022" do Cơ quan xử lý khủng hoảng của Liên minh châu Phi đưa ra. Ông Macron cũng đề xuất mục tiêu viện trợ quốc tế giúp 40% dân số châu Phi được tiêm chủng vào cuối năm nay, đồng thời kêu gọi các công dược phẩm cùng tham gia nỗ lực chung này, tài trợ 10% số lượng vaccine sản xuất được cho các nước nghèo.
Ngày 9-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo quyết định tặng 500 triệu liều vaccine cho các nước nghèo thông qua chương trình phân phối COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI). Do vậy, Tổng thống Pháp cho rằng các nước châu Âu cần hưởng ứng tích cực.
Tổng thống Pháp ủng hộ đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi về việc tạm ngừng cấp bằng sáng chế vaccine trong giai đoạn còn khủng hoảng dịch bệnh, như vậy có thể tránh rào cản để tiếp cận vaccine.
Ông Macron cũng thông báo về cuộc gặp song phương với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 14-6, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao NATO. Ông nói: Chúng tôi đều muốn có cuộc gặp này. Tôi nghĩ đó là điều tốt, để gặp gỡ và trao đổi.
Quan hệ giữa hai nước xấu đi rất nhiều trong thời gian vừa qua do bất đồng về các vấn đề liên quan đến Syria, Libya, xung đột giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorno-Karabakh và căng thẳng ngoại giao trong tháng 10-2020 liên quan điểm của Tổng thống Pháp về Hồi giáo.
Về vấn đề sử dụng Internet, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng cần thiết lập một khuôn khổ quốc tế để "chống lại sự ngông cuồng và tuyên truyền thái độ cực đoan, sự hoang tưởng về việc thiết lập một trật tự mới của những người sử dụng Internet. Về vấn đề kích động hận thù trên mạng, ông cho rằng cần có "sự chuyển đổi sâu sắc của chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế thị trường thế giới" để hóa giải sự tức giận do cảm giác bị đối xử bất công.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh, hành vi bạo lực đối với người đang thi hành công vụ là không thể chấp nhận được. Chính quyền Pháp không chấp nhận hận thù, bạo lực dân sự nhằm vào các nhà lãnh đạo vì không thể thay đổi hay tác động đến quyết định của họ.
Ngày 10-6, tòa án tại tỉnh Drôme thuộc vùng Auvergne-Rhône-Alpes ở phía đông nam nước Pháp đã kết án Damien Tarel, nam thanh niên 28 tuổi, với mức án 18 tháng tù, trong đó có bốn tháng tù giam sau vụ tấn công Tổng thống Macron vào chiều 8-6, trong chuyến thăm một trường dạy nghề ở tỉnh Drôme.
Vụ việc ngay lập tức đã làm dấy lên những phản ứng phẫn nộ từ chính giới cũng như dư luận báo chí. Cảnh tượng đã được một người dân ghi hình lại bằng điện thoại và đưa lên mạng xã hội ngay sau đó. Theo luật của Pháp, tội hành hung người thuộc cơ quan công quyền có thể bị phạt tù tới ba năm và bị phạt 45 nghìn euro.
Theo Tổng thống Pháp, việc sử dụng mạng xã hội vì mục đích xấu đe dọa cuộc sống dân chủ và không có gì ngạc nhiên khi chứng kiến những người cư xử trên phố như cách họ thường làm nhiều giờ liền trên điện thoại. Vì vậy, cần có giải pháp để ngăn chặn những điều tồi tệ.
Theo nhandan.com.vn