Thông báo của Nhà Trắng cho biết, khoảng 41 triệu trong số 55 triệu liều vaccine (tương đương 75%) sẽ được phân bổ cho các nước ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Á và châu Phi thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, trong khi 14 triệu liều còn lại (tương đương 25%) sẽ được chia sẻ cho “các khu vực ưu tiên”, bao gồm Colombia, Argentina, Iraq, Ukraine, Bờ Tây và Gaza.
Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ khi Mỹ tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19 ở trong nước và nỗ lực chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới, Tổng thống Joe Biden đã cam kết rằng: “Mỹ sẽ là một kho vaccine cho thế giới”, đồng thời cho biết những liều vaccine này sẽ được sử dụng cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, chẳng hạn như nhân viên y tế. Kế hoạch này được thực hiện đúng theo cam kết của Tổng thống Biden, đó là hỗ trợ các nước tổng cộng 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Mỹ sản xuất, trong đó 20 triệu liều vaccine từ các hãng Pfizer Inc., Moderna Inc. hoặc Johnson & Johnson (vốn trước đây chỉ được phép tiêu thụ nội địa) và 60 triệu liều vaccine AstraZeneca. Đầu tháng này, Mỹ đã thông báo kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên cho các nước, trong đó 19 triệu liều được chia sẻ theo chương trình COVAX.
Ấn Độ thận trọng trước sự lây lan của biến thể Delta plus
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ năm 2020 (tên khoa học: B.1.617.2) đã tiếp tục đột biến thành biến thể Delta plus, hay còn gọi là AY.1. Delta plus được cho là xuất hiện tại châu Âu vào cuối tháng 3. Tính đến ngày 17-6, theo GISAID - một cơ sở dữ liệu khoa học mở - có 63 ca nhiễm biến thể này trên toàn cầu, trong đó có 6 trường hợp tại Ấn Độ. Đến nay, Ấn Độ đã phát hiện 20 ca nhiễm biến thể Delta plus, trong đó riêng bang Maharashtra có tám trường hợp.
Hiệp hội giải mã gien của SARS-CoV-2 Ấn Độ đang nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sự lây nhiễm và tính chất nguy hiểm của biến thể Delta plus. Hiệp hội này cũng sẽ phân tích các mẫu thu thập được trong vài tháng gần đây để xác định biến thể Delta plus đã tồn tại từ tháng 3 và 4-2021 hay chưa. Giám đốc Viện khoa học y khoa Ấn Độ (AIIMS), Tiến sĩ Randeep Guleria cho biết, biến thể Delta plus đã gây ra làn sóng COVID-19 thứ hai tại quốc gia Nam Á này. Delta plus đang tiếp tục đột biến và có thể trở thành “biến thể đáng quan ngại” nếu không được kiểm soát. Mặt khác, Ấn Độ nên có kế hoạch giám sát nghiêm ngặt để số ca mắc COVID-19 không tăng vọt sau khi nới lỏng biện pháp phong tỏa tại một số khu vực trong nước./.
PV