Ngày 8-6, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo đã nới lỏng cảnh báo đi lại đối với 110 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, quốc gia chủ nhà của Olympic Tokyo.
CDC đã hạ từ Cấp độ 4 - mức cao nhất, khuyến nghị dừng hoàn toàn mọi hoạt động đi lại - xuống Cấp độ 3 đối với 61 quốc gia, cho phép các cá nhân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ được đến Mỹ. Trong số 61 quốc gia được hạ mức cảnh báo đi lại xuống Cấp độ 3 ngoài Nhật Bản còn có các nước như Pháp, Nam Phi, Canada, Mexico, Nga, Đức, Tây Ban Nha và Italy. Theo người phát ngôn của CDC Mỹ, cơ quan này cũng hạ mức cảnh báo đi lại từ Cấp độ 2 xuống Cấp độ 1 đối với 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những quốc gia ở nhóm cảnh báo nguy cơ dịch bệnh thấp nhất gồm Singapore, Israel, Hàn Quốc, Iceland, Belize và Albania.
Canada đánh thuế các “đại gia” công nghệ
Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland cho biết, nước này sẽ đơn phương áp thuế các “đại gia” công nghệ, bắt đầu từ ngày 1-1-2022. Theo Global and Mail, thông báo trên được đưa ra sau khi Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) nhất trí ủng hộ mức thuế tối thiểu 15% được áp dụng đối với các doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu. Mục tiêu nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế bằng cách báo cáo lợi nhuận ở các quốc gia có mức thuế suất thấp. G7 cũng tán thành các đề xuất nhằm khiến các công ty lớn nhất thế giới - bao gồm những gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Mỹ - nộp thuế ở những quốc gia nơi họ có nhiều doanh thu mặc dù không đặt trụ sở. Bà Freeland cho biết, điều quan trọng đối với Canada là phải thiết lập một mức sàn tối thiểu đối với thuế doanh nghiệp. Các biện pháp tương tự đã được áp dụng ở Anh, Pháp và Italy.
In-đô-nê-xi-a: Đặt mục tiêu trung hòa các-bon
Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản In-đô-nê-xi-a công bố chiến lược dài hạn của nước này nhằm đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2060 hoặc sớm hơn. Theo đó, cùng sự hỗ trợ quốc tế, In-đô-nê-xi-a tập trung vào các chiến lược phát triển mạnh mẽ năng lượng mới và tái tạo; giảm sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch thông qua thúc đẩy sử dụng đồng thời năng lượng sinh khối và ngừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện; phát triển mạng lưới truyền tải và lưới điện thông minh...
Goa-tê-ma-la: Hợp tác về vấn đề di cư
Trong cuộc gặp tại Goa-tê-ma-la, Tổng thống nước chủ nhà A.Gia-ma-tây và Phó Tổng thống Mỹ C.Ha-rít thảo luận tập trung về tăng cường hợp tác trong vấn đề người di cư ở khu vực. Phía Mỹ khẳng định sẽ hỗ trợ Goa-tê-ma-la giải quyết tình trạng tội phạm và bạo lực, vốn được coi là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư trái phép. Goa-tê-ma-la cam kết hợp tác với Mỹ, tìm các giải pháp hiệu quả cho vấn đề di cư.
Xu-đăng: Khẳng định lập trường về đập thủy điện
Thủ tướng Xu-đăng A.Ham-đúc khẳng định, nước này sẽ sử dụng tất cả biện pháp pháp lý nếu Ê-ti-ô-pi-a vẫn tiến hành kế hoạch tích nước đợt hai cho đập thủy điện Đại Phục hưng (GERD) bất chấp việc không đạt được thỏa thuận ràng buộc nào với các nước ở hạ nguồn là Xu-đăng và Ai Cập. Thủ tướng Xu-đăng cho rằng, kế hoạch của Ê-ti-ô-pi-a đe dọa trực tiếp an toàn các đập và dự án nước, cũng như người dân Xu-đăng sinh sống ở lưu vực sông./.
PV