Phục hồi kinh tế và những thách thức phía trước

08:06, 15/06/2021

Kinh tế thế giới tiếp tục có bước phục hồi vững chắc hơn khi có thêm các tín hiệu khả quan tại những nền kinh tế lớn như Mỹ, Brazil, Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản… Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian để các nền kinh tế trở lại “trạng thái bình thường cũ” như trước khi bùng phát đại dịch và thách thức phía trước vẫn lớn.

Người dân được phép dùng bữa ngoài trời sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng tại London, Anh.  Ảnh: Reuters
Người dân được phép dùng bữa ngoài trời sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng tại London, Anh. Ảnh: Reuters

Nền kinh tế “đầu tàu” thế giới đã lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những tuần gần đây. Cuối tuần qua, thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, thị trường việc làm ở nước này tiếp tục khởi sắc. Cụ thể, trong tuần qua, số người lao động tại Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 9.000 người so với tuần trước đó, xuống còn 376 nghìn người. Đây là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi giữa tháng 3-2020. Lĩnh vực tiêu dùng, động lực quan trọng của kinh tế Mỹ, cũng có bước cải thiện đáng kể. Cục Thống kê lao động Mỹ vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 5% trong 12 tháng tính đến tháng 5 vừa qua. Điều này làm dấy lên lo ngại về lạm phát, song cũng cho thấy nền kinh tế đã sôi động trở lại sau một thời kỳ khốn đốn vì dịch bệnh. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo phân tích về triển vọng kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2021 với dự báo về khả năng khu vực này đạt mức tăng trưởng 5,2%. Con số này cao hơn so với mức dự báo 3,2% được đưa ra hồi đầu năm. Riêng nền kinh tế lớn của khu vực là Brazil có thể đạt mức tăng trưởng 4,5%.

Tín hiệu phục hồi tích cực cũng xuất hiện rõ ràng hơn ở một nền kinh tế lớn của châu Âu là Anh. Việc Chính phủ Anh quyết định nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng, chống COVID-19 đã giúp nền kinh tế của “xứ sở sương mù” đang chuyển biến tích cực. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này trong tháng 4 vừa qua đạt mức 2,3%, là mức tăng trưởng hằng tháng nhanh nhất kể từ tháng 7-2020. “Đòn bẩy” của tăng trưởng kinh tế Anh thời gian qua chính là sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ khi nhà hàng, quán rượu và các trường học được mở cửa trở lại.

Những gam mầu tươi sáng cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong “bức tranh kinh tế” của các nước châu Á. Ngoài kinh tế Trung Quốc đã sớm phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản đã khởi sắc hơn trong những tuần gần đây. Báo cáo “Xu hướng kinh tế tháng 6” do Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) vừa công bố đã đánh giá lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư của nước này vẫn đang duy trì đà hồi phục vững chắc. Số liệu thống kê của MOEF cũng cho thấy CPI trong tháng 5 vừa qua cũng tăng 2,6% so với cùng thời điểm của năm 2020, duy trì mức tăng hai tháng liên tiếp. Điều này cho thấy, các mạch máu kinh tế của “xứ sở kim chi” đang nóng trở lại. Tại Nhật Bản, dù dịch bệnh vẫn “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế, nhưng Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố các số liệu chính thức cho thấy GDP của nước này trong quý I-2021 giảm 1% so với quý trước đó và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này khả quan hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

Một tín hiệu đáng lưu ý cho thấy “cỗ máy kinh tế” toàn cầu đang chuyển động mạnh mẽ trở lại là tiêu thụ dầu mỏ gia tăng, kéo theo giá “vàng đen” tăng tương đối mạnh. Cuối tuần qua, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ tăng vượt mức so với thời kỳ bùng phát đại dịch vào cuối năm 2022. IEA cũng dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ dần hồi phục, cụ thể tăng thêm 5,4 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và thêm 3,1 triệu thùng/ngày vào năm tới.

Tuy nhiên, dù kinh tế thế giới đã có bước phục hồi mới, nhưng các thách thức phía trước vẫn vô cùng lớn. Một số nền kinh tế quan trọng của thế giới như Nhật Bản, EU, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng suy giảm tăng trưởng. WB và giới phân tích kinh tế gần đây đã cảnh báo sự hồi phục kinh tế thế giới sẽ diễn ra không đồng đều giữa các khu vực, quốc gia. Bên cạnh đó, sau “cuộc khủng hoảng Covid-19” nhiều nước đang đối mặt với khủng hoảng việc làm, tình trạng đói nghèo gia tăng và an ninh lương thực không được bảo đảm. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 vẫn nghiêm trọng tại châu Á, châu Phi. Trong bối cảnh đó, chống dịch và khôi phục kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội vẫn là “nhiệm vụ kép” ở nhiều quốc gia trong những tháng tới./.

Theo Báo Nhân Dân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com