Kinh tế Pháp ghi nhận những gam màu sáng

07:06, 22/06/2021

Thời gian gần đây, bức tranh kinh tế Pháp ghi nhận những gam màu tươi sáng, trong bối cảnh nước này đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch. Mặc dù còn đối mặt nhiều thách thức, song những kết quả tích cực từ chiến dịch tiêm vaccine (vắc-xin) ngừa Covid-19 và lộ trình mở cửa trở lại đã mang đến triển vọng phục hồi cho nền kinh tế châu Âu này.

Nhiều nhà hàng ở Pháp mở cửa trở lại. Ảnh TÂN HOA XÃ
Nhiều nhà hàng ở Pháp mở cửa trở lại. Ảnh TÂN HOA XÃ

Theo báo cáo Ngân hàng trung ương Pháp mới công bố, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm nay, tăng so mức dự báo 5,4% được đưa ra hồi tháng 3 vừa qua và cao hơn đáng kể so mức trung bình 4,6% của Eurozone. Ngân hàng trung ương Pháp cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2022 lên 4,1% và năm 2023 lên 2,1%, tăng lần lượt 0,3 và 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (B.Lơ Me) bày tỏ lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế nước này sau đại dịch.

Nguyên nhân khiến con tàu kinh tế Pháp đón nhận những thông tin tích cực chủ yếu do tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng khả quan, giúp hoạt động kinh doanh, sản xuất được khôi phục sau giai đoạn phong tỏa kéo dài do đại dịch. Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng cũng đạt những kết quả đáng khích lệ. Theo Bộ Y tế Pháp, đến nay, khoảng 30,76 triệu người, tương đương 58,6% người trưởng thành, đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và khoảng 28,1% số người trưởng thành đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Thủ tướng Pháp Jean Castex (G.Ca-xtếch) cho biết, Chính phủ nước này đặt mục tiêu đến trước cuối mùa hè năm nay sẽ hoàn tất tiêm chủng cho khoảng 35 triệu người, tương đương hơn 50% dân số. 

Nhờ những chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Pháp cũng đã từng bước khởi động lại nền kinh tế và bước đầu mở cửa biên giới đón du khách quốc tế trở lại. Du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Pháp, đã trải qua một thời kỳ dài “ngủ đông” và chìm trong khủng hoảng do dịch Covid-19. Thống kê cho thấy, năm 2019, ngành du lịch Pháp thu về 69 tỷ USD, chiếm khoảng 7,5% GDP, tạo ra khoảng 2,9 triệu việc làm. Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đã khiến doanh thu của ngành công nghiệp không khói này giảm một nửa trong năm 2020. Giới chức Pháp hy vọng, khi chiến dịch tiêm chủng tiếp tục đạt kết quả khả quan và dịch bệnh lắng xuống, ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ từng bước phục hồi. 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, kinh tế Pháp vẫn đối mặt nhiều thách thức trong thời gian tới, trong đó có vấn đề “sức khỏe” của nền tài chính công. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire mới đây cho biết, thâm hụt ngân sách Pháp dự kiến sẽ tăng lên mức tương đương 9,4% GDP trong năm 2021, do các khoản hỗ trợ tài chính khổng lồ để hạn chế tác động của đại dịch đối với nền kinh tế. Kể từ giữa tháng 3-2020, Pháp đã thực hiện gói biện pháp gồm hoãn nộp thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, cung cấp khoản vay do nhà nước bảo lãnh... Các biện pháp này đã góp phần giúp nền kinh tế Pháp vượt qua nhiều sóng gió, song cũng tiêu tốn 549 tỷ USD, tương đương 20% GDP. Bên cạnh đó, giới chức y tế Pháp vẫn lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. 

Trên cơ sở những kết quả tích cực của cuộc chiến chống đại dịch và quá trình phủ sóng vaccine ngừa Covid-19, nền kinh tế Pháp đang từng bước khởi động lại và bước đầu đón nhận những thông tin tích cực. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nền kinh tế Pháp chỉ có thể phục hồi nhanh chóng và bền vững khi dịch được kiểm soát. Vì vậy, Thủ tướng Pháp Jean Castex khẳng định, nếu tình hình dịch chuyển biến phức tạp trong thời gian tới, Pháp sẽ nhanh chóng đưa ra các biện pháp đối phó quyết liệt.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com