Ngày 17-6, Bộ Y tế Indonesia thông báo có thêm 12.624 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ ngày 30-1 vừa qua và nâng tổng số ca mắc lên 1.950.276 ca.
Cũng theo bộ này, số người tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 277 ca lên 53.753 ca. Nước này cũng có thêm 7.350 bệnh nhân hồi phục được xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân bình phục sau khi mắc Covid-19 lên 1.771.220 người.
Người dân Tây Java, Indonesia xếp hàng chờ tiêm vaccine. (Ảnh: AP) |
Dịch Covid-19 đã lây lan tại tất cả 34 tỉnh của đất nước. Cụ thể, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận 4.144 ca mắc mới, tiếp đó là Tây Java với 2.800 ca, Trung Java với 1.752 ca, Đông Java với 722 ca và Yogyakarta với 595 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 5.738 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 678.764 ca.
Theo quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdulla, trong số các ca mắc mới có tới 5.735 ca lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ có ba ca nhập cảnh. Nước này cũng ghi nhận thêm 60 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì đại dịch này lên 4.202 ca. Có khoảng 7.530 người đã bình phục, nâng số người bình phục lên 608.465 ca, tương đương 89,6% số ca mắc.
Tại Afghanistan, đại dịch Covid-19 dường như đang vượt ngoài tầm kiểm soát khi số ca mắc tại nước này tăng hơn 20 lần trong tháng qua, khiến các bệnh viện quá tải và nguồn lực y tế nhanh chóng cạn kiệt.
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ngày 17-6 cho biết hơn 30% số trường hợp xét nghiệm hồi tuần trước đều có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Giới chức y tế Afghanistan cho biết trong 24 giờ qua, nước này có thêm 2.313 ca mắc và 101 ca tử vong vì Covid-19. Các bệnh viện lớn đã không tiếp nhận bệnh nhân mới mắc Covid-19 trong bối cảnh thiếu giường bệnh và oxy y tế trầm trọng.
ICRC cảnh báo sự hạn chế trong việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 cùng tâm lý do dự tiêm chủng của người dân đang khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Hiện mới chỉ có 0,5% dân số Afghanistan đã được tiêm đủ liều vaccine. ICRC đang phối hợp nhà chức trách để cung cấp thêm nguồn lực y tế, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế để giúp Afghanistan vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
Hệ thống y tế vốn mỏng manh của Afghanistan đã bị chiến tranh tàn phá trong nhiều thập kỷ. Bạo lực đã gia tăng trong những tháng gần đây khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này, trong khi các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban bị đình trệ.
Theo nhandan.com.vn