Bộ Y tế Brazil ngày 19-6 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 20.483 ca mắc Ccvid-19 và 1.401 trường hợp tử vong do căn bệnh này, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay lên hơn 17,8 triệu người, trong đó có hơn 500.000 ca tử vong.
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại ngoại ô TP Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AP) |
Trong tuần qua, số ca nhiễm mới theo ngày được ghi nhận tại Brazil vẫn ở mức trung bình khoảng 70.000 ca, trong khi tỷ lệ tử vong trung bình là gần 2.000 người. Đây được coi là một trong những thời điểm tồi tệ nhất mà Brazil phải trải qua kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào tháng 2-2020. Brazil trở thành nước thứ hai trên thế giới vượt mốc 500.000 người tử vong do Covid-19, sau Mỹ.
Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại Brazil có thể phải hứng chịu làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19 trong thời gian tới do chương trình tiêm chủng được triển khai một cách khá chậm. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga khẳng định vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho tất cả người dân và hy vọng sẽ sớm thay đổi tình hình dịch bệnh theo chiều hướng tích cực hơn.
Số liệu chính thức của chính quyền địa phương cho thấy, nhu cầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại các bệnh viện tư hàng đầu ở New Delhi và vùng thủ đô (NCR) đã giảm mạnh trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Ấn Độ đang lắng xuống.
Theo các giám đốc bệnh viện hàng đầu ở New Delhi và NCR, trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến 12-6, khoảng 40% suất tiêm đã được đặt trước. Nhưng trong tuần tiếp theo, từ ngày 13 đến 18-6, chỉ có 25% suất được đặt.
Số liệu của chính quyền New Delhi cho thấy, số người tiêm vaccine trong 24 giờ vào ngày 6-6 là 58.091 người. Con số này giảm xuống còn 48.022 người vào ngày 10-6 và chỉ còn 14.456 người vào ngày 14-6, mặc dù sau đó tăng lên 54.912 người trong ngày 17-6.
Các bệnh viện tư nhân đã giảm bớt những địa điểm tiêm ở bên ngoài, và một số bệnh viện như Max healthcare và Indraprastha Apollo thậm chí còn đóng cửa các cơ sở tiêm chủng hàng loạt.
Ông Navneet Bali, Giám đốc khu vực bệnh viện Narayana Health nhận định về một số lý do dẫn đến việc đăng ký tiêm giảm tại các bệnh viện tư nhân. Ông nói: “Một bộ phận dân chúng đáng kể có thể đang chờ vaccine Sputnik”. Ngoài ra, tâm lý sợ tác dụng phụ cũng có thể là một nguyên nhân, bên cạnh đó là niềm tin đại dịch đã kết thúc với làn sóng thứ hai.
Hiện tại, Ấn Độ chỉ sử dụng hai loại vaccine ngừa Covid-19 là Covaxin của Bharat Biotech và Covishield của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII). Nhiều bệnh viện tư nhân ở New Delhi xác nhận họ có đủ vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho người dân, mặc dù không cho biết cụ thể nguồn cung sẽ kéo dài bao lâu.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 20-6 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 178.939.856 ca mắc, 3.874.879 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.401.712 ca mắc, 617.083 ca tử vong
2. Ấn Độ: 29.881.352 ca mắc, 386.740 ca tử vong
3. Brazil: 17.883.750 ca mắc, 500.868 ca tử vong
4. Pháp: 5.755.496 ca mắc, 110.724 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.365.208 ca mắc, 49.122 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.976.172 ca mắc, 54.291 ca tử vong
2. Philippines: 1.353.220 ca mắc, 23.538 ca tử vong
3. Malaysia: 691.115 ca mắc, 4.348 ca tử vong
4. Thái Lan: 214.449 ca mắc, 1.609 ca tử vong
5. Myanmar: 147.615 ca mắc, 3.258 ca tử vong
6. Singapore: 62.403 ca mắc, 34 ca tử vong
7. Campuchia: 42.052 ca mắc, 414 ca tử vong
8. Việt Nam: 12.900 ca mắc, 64 ca tử vong
9. Lào: 2.050 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 251 ca mắc, 03 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 54.350.101 ca mắc, 764.638 ca tử vong
2. Châu Âu: 47.426.785 ca mắc, 1.091.899 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 40.325.564 ca mắc, 911.411 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 31.538.988 ca mắc, 968.175 ca tử vong
5. Châu Phi: 5.226.362 ca mắc, 137.476 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 71.335 ca mắc, 1.265 ca tử vong
Theo nhandan.com.vn