AstraZeneca thông báo đang hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á nhằm bảo đảm việc cung cấp "càng sớm, càng tốt" vaccine ngừa Covid-19 của hãng này.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có thông tin về khả năng chậm tiến độ giao vaccine từ nhà máy sản xuất Siam Bioscience của Thái Lan. Việc phân phối vaccine của AstraZeneca tại Đông Nam Á phụ thuộc vào 200 liều vaccine được Siam Bioscience sản xuất.
Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. (Ảnh: Reuters) |
Tuyên bố của AstraZeneca khẳng định việc phân phối vaccine đến các nước Đông Nam Á sẽ diễn ra trong những tuần tới. Hãng đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ liên quan nhằm cung cấp vaccine càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến năng suất của nhà máy sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tại Thái Lan. Đây là lần đầu tiên Siam Bioscience sản xuất vaccine. Tháng 1 vừa qua, Siam Bioscience ước tính có thể sản xuất 200 triệu liều mỗi năm, tương đương 15-20 triệu liều mỗi tháng.
Dự kiến, trong tháng 6 này, Malaysia sẽ nhận 610 nghìn liều vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Thái Lan và tổng cộng 1,6 triệu liều trong năm nay. Tuy nhiên, ngày 9-6, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết việc tiếp nhận có thể bị chậm trễ.
Trước đó, Philippines cũng cho biết đã nhận được thông báo của AstraZeneca về việc giao lô vaccine đầu tiên với 1,3 triệu liều, sẽ phải lui đến giữa tháng 7, muộn hơn ba tuần so với kế hoạch ban đầu và lượng vaccine cũng sẽ giảm chỉ còn 1,17 triệu liều. Việc bàn giao lô vaccine thứ hai cũng dự kiến giảm từ 1,3 triệu liều xuống còn 1,17 triệu liều, sẽ bị lui từ tháng 7 sang tháng 8.
Ngay Thái Lan, lẽ ra sẽ nhận được sáu triệu liều vaccine của AstraZeneca trong tháng 6, song hiện giờ cũng mới chỉ nhận được 1,8 triệu liều được sản xuất trong nước và 200 nghìn liều nhập từ Hàn Quốc.
Liên quan đến vấn đề miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19, ngày 10-/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nêu rõ đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 không phải là "giải pháp dễ dàng và nhanh chóng", đồng thời mong muốn đề xuất này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), dự kiến diễn ra vào ngày 11-6 tới.
Phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị cấp cao G7, ông Michel nhấn mạnh: "Việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine xem ra là đề xuất tốt, song nó không phải là giải pháp dễ dàng".
Hiệp định TRIPS về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ giữa tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã mang lại sự linh hoạt trong giải quyết vấn đề này. Do đó, EU muốn tập trung vào các đề xuất cụ thể, như thúc đẩy sự tự nguyện chuyển giao công nghệ và bằng sáng chế, tập hợp các kỹ thuật sản xuất vaccine khác nhau theo các điều khoản đã thỏa thuận.
Theo nhandan.com.vn