Giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng trong những ngày gần đây trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế đã mạnh lên ở các nền kinh tế lớn. Giới phân tích nhận định, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ trở về mức trước đại dịch vào cuối năm nay.
Giá "vàng đen" trên thị trường thế giới đã tăng trong hầu hết các phiên giao dịch gần đây. Ở thị trường châu Á, hôm 10-5, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,8%, lên 68,85 USD/thùng, sau khi ghi nhận mức tăng 1,5% trong tuần qua. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng ở mức 0,8%. Giá dầu trong phiên giao dịch đầu tuần nói trên đã được "trợ lực" bởi thông tin về một cuộc tiến công mạng lớn buộc các đường ống cung cấp nhiên liệu quan trọng ở Mỹ tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, ngay cả khi không có những sự cố nêu trên, dầu vẫn tăng giá bởi tác động tích cực từ đà phục hồi của các nền kinh tế lớn.
Trong tuần qua, thị trường dầu mỏ liên tiếp đón thêm các tín hiệu khả quan từ các nền kinh tế lớn của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Tại Mỹ, Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Niu Oóc G.Uy-li-am vừa nhận định, nền kinh tế số một thế giới trong năm 2021 có khả năng tăng trưởng nhanh nhất trong gần 40 năm qua và lạm phát sẽ trở lại mục tiêu 2% vào năm 2022. Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu bất ngờ tăng nhanh trong tháng 4-2021 và hoạt động của lĩnh vực dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 32,3% trong tháng 4-2021 so với cùng kỳ năm 2020, nhờ nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng điện tử và khẩu trang y tế. Khi triển vọng của hai "đầu tàu kinh tế" thế giới là Mỹ và Trung Quốc khả quan hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng tăng nhanh.
Bên cạnh đó, triển vọng giá dầu tăng còn do tín hiệu tích cực từ nhiều nền kinh tế lớn khác. Kinh tế Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh đang được dự báo phục hồi đáng kể trong năm nay nhờ "phủ sóng" nhanh vắc-xin ngừa Covid-19 đến toàn dân. Việc EU mới đây có kế hoạch mở cửa cho du khách nước ngoài, tạo động lực phát triển du lịch, hàng không, cũng giúp gia tăng niềm tin cho các thị trường, khiến giá dầu tăng. Trong khi đó, một nền kinh tế lớn khác của châu Á là Hàn Quốc cũng phát đi tín hiệu phục hồi, dù "cơn bão Covid-19" vẫn khá nghiêm trọng ở nước này. Theo báo cáo đánh giá hoạt động kinh tế hàng tháng của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI),
lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu của Hàn Quốc được cải thiện sẽ giúp nền kinh tế phục hồi. Cũng theo KDI, xuất khẩu và đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Hàn Quốc tăng trưởng nhanh hơn khi nhu cầu bên ngoài tiếp tục tăng, trong khi doanh số bán lẻ, xuất khẩu và đầu tư thiết bị đều chuyển biến tốt hơn.
Giới phân tích cho rằng, giá dầu có triển vọng còn tăng và có thể trở về mức trước đại dịch vào cuối năm nay, bởi khi các nhà máy khôi phục hoạt động và nhu cầu du lịch tăng sẽ khiến tiêu thụ nhiên liệu tăng nhanh hơn nữa. Ngoài ra, một yếu tố nữa thúc đẩy giá dầu tăng là thống kê cho thấy lượng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm. Viện Dầu mỏ Mỹ vừa cho biết, dự trữ dầu thô của
"xứ cờ hoa" giảm 7,7 triệu thùng trong tuần cuối tháng 4. Dự trữ xăng giảm 5,3 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 3,5 triệu thùng vào cùng giai đoạn. Các chuyên gia kinh tế dự báo giá "vàng đen" có thể đạt khoảng 80 USD/thùng vào mùa hè năm nay, kéo hầu hết các cổ phiếu ngành dầu mỏ cùng đi lên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy triển vọng giá dầu tăng mạnh vẫn không chắc chắn khi hiện nay giới đầu tư vẫn tỏ ra cảnh giác trước các "làn sóng" dịch Covid-19 vẫn bùng phát mạnh ở nhiều nơi, nhất là tại Ấn Ðộ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ ba thế giới. Giá dầu luôn được xem như một "hàn thử biểu" với kinh tế toàn cầu, bởi vậy, việc triển vọng thị trường chưa rõ ràng như trên cũng là một chỉ dấu cho thấy kinh tế thế giới hiện vẫn trong cảnh "tranh tối tranh sáng" mà thôi.
Theo nhandan.com.vn