Malta: Thông báo đạt miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19

07:05, 28/05/2021

Bộ trưởng Y tế Malta Chris Fearne cho biết, 42% dân số của quốc gia có hơn nửa triệu dân đã được tiêm chủng đầy đủ. Kết quả này giúp làm giảm 95% số người phải nhập viện tại các bệnh viện điều trị COVID-19 tại Malta. 

Malta cho phép hàng ăn mở cửa sau khi tỷ lệ tiêm chủng cho người trưởng thành đạt 60%. (Ảnh: Reuters)
Malta cho phép hàng ăn mở cửa sau khi tỷ lệ tiêm chủng cho người trưởng thành đạt 60%. (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu chính thức của cơ quan y tế Malta, tính đến đầu tuần này, 474.475 liều vaccine đã được sử dụng. Malta đang sử dụng bốn loại vaccine được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt. Theo website Ourworldindata.org, Malta thậm chí đã vượt cả Israel và Anh về tỷ lệ người được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Theo Guardian, Malta đang có tốc độ tiêm chủng nhanh hơn các thành viên khác trong EU. Hiện tất cả người dân từ 16 tuổi trở lên đều đủ điều kiện để tiêm vaccine. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng khi cơ quan y tế châu Âu cho phép. Bộ trưởng Y tế Malta khuyến khích người dân từ 16 - 29 tuổi xung phong đăng ký tiêm chủng. Theo ông, đến nay, đã có 52% dân số trong độ tuổi này đã đăng ký tiêm phòng.

I-ran: Tuyên bố vẫn làm giàu u-ra-ni ở mức 60%

Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) A.Xa-lê-hi cho biết, I-ran vẫn đang làm giàu u-ra-ni có độ tinh khiết 60%, 20%, 5% và hiện đã sở hữu hơn 90kg u-ra-ni làm giàu 20%. Theo thỏa thuận hạt nhân I-ran ký năm 2015, Tê-hê-ran hạn chế làm giàu u-ra-ni ở mức độ 3,67% và tích trữ không quá 300kg nguyên liệu này. Ông A.Xa-lê-hi cũng thông báo quyết định của I-ran gia hạn thỏa thuận về việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát các hoạt động hạt nhân của Tê-hê-ran đến ngày 24-6 sau khi thỏa thuận kéo dài ba tháng đã hết hiệu lực.

Nhật Bản là “chủ nợ” lớn nhất thế giới trong 30 năm liền

Kyodo News đưa tin, ngày 25-5, Chính phủ Nhật Bản thông báo kết thúc năm 2020, nước này tiếp tục giữ vị trí “chủ nợ” lớn nhất thế giới trong vòng 30 năm liên tiếp. Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, tài sản ròng của Nhật Bản ở nước ngoài, do chính phủ, các công ty và nhà đầu tư tư nhân nắm giữ, ước tính vào khoảng 3.300 tỷ USD, giảm 0,01% so với năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên Tokyo ghi nhận mức giảm về tài sản ròng ở nước ngoài từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, nhờ các khoản đầu tư vào chứng khoán, đầu tư trực tiếp và giá trị cổ phiếu ở nước ngoài gia tăng, xứ sở mặt trời mọc vẫn có tổng tài sản ở nước ngoài đạt mức cao kỷ lục 10.550 tỷ USD. Bộ Tài chính Nhật Bản khẳng định đại dịch COVID-19 dường như không làm giảm đáng kể đến làn sóng đầu tư ra nước ngoài của nước này./.

Theo nhandan.com.vn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com