Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới đang khuyến khích người dân kết hôn muộn hơn, kế hoạch hóa gia đình và áp dụng các biện pháp tránh thai để giảm tỷ lệ sinh xuống còn 2,1 con/phụ nữ vào năm 2025. Đó là “tỷ lệ thay thế” nhằm giảm mức tăng dân số ở quốc gia 270 triệu dân. Ngoài ra, việc giảm tỷ lệ sinh sẽ giúp Indonesia giảm thiểu mối lo ngại tình trạng dân số quá tải dẫn tới ít cơ hội việc làm.
Giới phân tích cho rằng quyết định giảm tỷ lệ sinh trên là một sự mạo hiểm đối với Indonesia, nơi thu hút các nhà đầu tư bằng nguồn nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, ngoài việc làm chậm tốc độ tăng dân số, đất nước vạn đảo đang nỗ lực nâng cao chất lượng dân số. Ông Hasto Wardoyo, Giám đốc Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình quốc gia Indonesia, cho biết: “Trước đây, trọng tâm các chương trình của Chính phủ chỉ là giảm tỷ lệ sinh còn bây giờ tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện chất lượng dân số”. Đánh giá về hướng đi này của Indonesia, ông Patrick Cooke, nhà quản lý tại Công ty nghiên cứu Oxford Business Group (Anh) cho rằng việc nâng cao chất lượng dân số sẽ giúp Indonesia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ hứng thú trước sự thịnh vượng và trình độ kỹ năng ngày càng tăng của nguồn nhân lực ở Indonesia”, ông Cooke nhận định.
Mỹ: Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc
Các cuộc biểu tình mới đã lại nổ ra trên nước Mỹ sau khi cảnh sát nước này bắn chết một người đàn ông da màu ở ngoại ô thành phố Min-nê-a-pô-lít, nơi đang diễn ra phiên xét xử cựu cảnh sát Đ.Chô-vin với tội danh giết người và ngộ sát công dân da màu G.Phơ-loi hồi năm 2020. Hàng trăm người đã tập trung bên ngoài đồn cảnh sát ở thành phố Brúc-lin, đập phá xe của cảnh sát, buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông. Sau đó, Lực lượng Vệ binh quốc gia đã được điều tới hiện trường để giải quyết vụ việc. Thị trưởng thành phố Brúc-lin gọi vụ nổ súng là “thảm kịch”, đồng thời kêu gọi người biểu tình không đụng độ với lực lượng chức năng và cho biết sẽ sớm ban bố lệnh giới nghiêm./.
Theo qdnd.vn