Giải quyết nợ nần cho các nước nghèo

08:04, 02/04/2021

Liên hợp quốc (LHQ), Thủ tướng Ca-na-đa và Thủ tướng Gia-mai-ca đã đồng chủ trì hội nghị trực tuyến, với sự tham dự của lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhằm bàn các kế sách về thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu. Một trong những vấn đề quan trọng tại cuộc thảo luận là giúp các nước nghèo “dễ bị tổn thương” giải quyết cuộc khủng hoảng nợ do đại dịch COVID-19 gây ra.

Sự kiện này diễn ra sau loạt hội nghị bàn tròn nhằm huy động các nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các cuộc thảo luận đã tập trung vào sự cấp thiết phải hành động mạnh mẽ và cụ thể hơn để cung cấp thanh khoản và giải quyết những khoản nợ ở các nước đang phát triển. Tại hội nghị lần này, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi thế giới triển khai các biện pháp khẩn cấp và quyết liệt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ do dịch COVID-19 gây ra, trong bối cảnh nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cho rằng, thế giới cần hành động để hỗ trợ chính phủ các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận nguồn tiền mặt và giảm bớt gánh nặng nợ cho các nước này.

Các quốc gia nghèo nhất, vốn hứng chịu những tổn thương sâu sắc bởi đại dịch, đang phải đối mặt sự phục hồi kinh tế chậm chạp. Giám đốc điều hành IMF K.Gioóc-giê-va từng nhận định, triển vọng phục hồi từ kinh tế suy giảm do tác động của đại dịch là chưa chắc chắn và không đồng đều. Cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra sẽ khiến nhiều nền kinh tế tụt hậu, đẩy người nghèo vào chỗ khó khăn hơn. Dự báo, đến cuối năm 2022, các quốc gia đang phát triển và thị trường đang nổi, không bao gồm Trung Quốc, sẽ chứng kiến mức thu nhập bình quân đầu người giảm 22% so với mức trước khủng hoảng, trong khi mức giảm này của các nền kinh tế phát triển là 13%. Sự gia tăng đói nghèo và sự suy giảm kinh tế càng trở nên tồi tệ hơn do sự tiếp cận thiếu công bằng đối với vắc-xin ngừa COVID-19. Tại hội nghị, Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô cho rằng, đại dịch đã gây ra sự bất bình đẳng kinh tế rõ rệt trong và giữa các quốc gia, đồng thời cho rằng điều này chỉ có thể giải quyết thông qua hợp tác quốc tế. Thủ tướng Gia-mai-ca A.Hon-nít cho biết, nhiều nước nghèo đã phải hạn chế chi tiêu công để tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ, ngay cả khi nhu cầu về dịch vụ y tế tăng lên; đồng thời cảnh báo rằng, sự mất cân bằng trong chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu sẽ dẫn đến kinh tế phục hồi không đồng đều và làm gia tăng tình trạng nghèo đói.

Trong khi các nước giàu hơn đã dành khoảng 16 nghìn tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp kinh tế và y tế, coi đây là “liều thuốc hữu hiệu” để vực dậy “sức khỏe” nền kinh tế, thì các nước đang phát triển không thể đầu tư nhiều để tăng năng lực chống chịu những tác động từ đại dịch, do tài chính hạn hẹp. Một thực tế là, xét theo bình quân đầu người, ước tính các nước kém phát triển nhất chi cho các biện pháp ứng phó dịch ít hơn 580 lần so với các nền kinh tế phát triển. Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, sáu quốc gia đang phát triển đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, trong khi 42 nước khác bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Ít nhất 120 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực do đại dịch.

Trước nguy cơ khoảng cách giàu nghèo được nới rộng và tỷ lệ đói nghèo gia tăng kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu, làm chệch hướng các mục tiêu phát triển của LHQ, Tổng Thư ký Gu-tê-rét cho rằng, các nước đang phát triển cần được tạo cơ hội để tiếp cận các khoản tài chính nhằm ứng phó đại dịch và đầu tư vào phục hồi. Cộng đồng quốc tế cần khẩn trương cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho tất cả các nước đang phát triển có nhu cầu. Ông kêu gọi xây dựng một “cơ chế nợ mới” nhằm có thêm sự lựa chọn như hoán đổi nợ hay xóa nợ để hỗ trợ các nước nghèo đối phó đại dịch và phục hồi kinh tế.

Hiện có rất nhiều nguy cơ cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó các khoản nợ khổng lồ ở những nước nghèo trở thành “quả bom hẹn giờ”. Trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới, việc giúp các nước nghèo được cho là trách nhiệm của các nước giàu hơn./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com