Trong bối cảnh chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đang triển khai đồng loạt tại nhiều nước, “hộ chiếu vắc-xin” được thí điểm sử dụng, các hãng hàng không đang rục rịch chuẩn bị “cất cánh” trở lại sau thời gian dài bất động và chìm trong thua lỗ.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành hàng không thế giới đã lâm cảnh khủng hoảng, thua lỗ chưa từng có. Theo Hiệp hội hàng không Mỹ, riêng các hãng hàng không vận tải hành khách của Mỹ đã lỗ tổng cộng 35 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, nhờ các gói hỗ trợ của chính phủ và công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả bước đầu, các hãng hàng không trên toàn cầu dường như đã bắt đầu thoát khỏi “vực sâu khủng hoảng” và đang khẩn trương chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.
Tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở mảng vận tải hàng hóa. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, trong tháng 1-2021, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đã quay trở lại bằng mức trước đại dịch. Tuy nhiên, việc vận chuyển hành khách vốn mang lại nguồn thu 85% cho các hãng hàng không vẫn theo chiều hướng xấu. Trong khi đó, theo Cơ quan quản lý an ninh giao thông vận tải Mỹ, đã có hơn 1,5 triệu lượt người đi qua các sân bay của Mỹ vào ngày chủ nhật 21-3 vừa qua, con số lớn nhất được ghi nhận lần đầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Mỹ.
Hãng hàng không United Airlines của Mỹ vừa thông báo sẽ tuyển thêm phi công để chuẩn bị cho đợt cao điểm sắp tới khi ngành hàng không phục hồi. Trong thông báo nội bộ, Giám đốc điều phối bay của hãng United Airlines cho biết, nhóm đối tượng mà hãng tuyển dụng đầu tiên sẽ là các phi công, ưu tiên những người đã nộp hồ sơ và đợi việc trong năm 2020 hoặc những người đã làm việc với hợp đồng có điều kiện cho hãng. Việc tuyển dụng này nhằm bù đắp lượng nhân lực thiếu hụt do hãng đã cắt giảm trong thời khủng hoảng do COVID-19. Hiện, các hãng hàng không Mỹ cũng đã lên kế hoạch tăng chuyến bay. Theo đó, United Airlines đã tăng số lượng chuyến bay trong tháng 5 tới những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Mê-hi-cô, vùng Ca-ri-bê và Trung Mỹ, nâng tổng số chuyến dự kiến lên cao hơn cùng kỳ năm 2019. Hãng hàng không Delta cũng thông báo sẽ bỏ yêu cầu ngồi cách ghế trên các chuyến bay để có thêm chỗ tiếp nhận hành khách trong thời gian tới.
Tại Anh, các hãng hàng không có cơ hội khôi phục mạnh mẽ trong tháng 5 tới. Bộ trưởng Hàng không Anh nhận định, việc tái khởi động hoạt động đi lại bằng đường hàng không cần được các nước phối hợp thực hiện đồng bộ và Chính phủ Anh hy vọng người dân Anh sẽ được đi nghỉ trong thời gian sớm nhất, có thể là sau ngày 17-5.
Hiện, bên cạnh chính sách hỗ trợ ngành hàng không, chính phủ nhiều nước cũng đang tích cực cùng các hãng bay triển khai thí điểm “hộ chiếu vắc-xin” để bảo đảm hoạt động đi lại bằng máy bay diễn ra thuận lợi. Tại Ô-xtrây-li-a, Hãng hàng không Qantas tháng 3 vừa qua đã thử nghiệm hệ thống “hộ chiếu vắc-xin điện tử” đầu tiên trên một chuyến bay quốc tế từ Đức đến Ô-xtrây-li-a. Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Pháp mới đây cho biết, Pháp sẽ thử nghiệm thẻ thông hành kỹ thuật số liên quan COVID-19 đối với các hành khách của hãng hàng không Air France trong cuộc thử nghiệm kéo dài một tháng. Tại I-xra-en, Hãng hàng không quốc gia El tháng trước cũng đã đưa vào thử nghiệm một quy trình mới kiểm tra COVID-19 cho hành khách. Quy trình này chia hành khách thành ba nhóm đối tượng, trong đó có nhóm đã tiêm xong vắc-xin và nhóm đã xét nghiệm bằng phương pháp PCR cho kết quả âm tính. Hai nhóm này đang được nhiều hãng hàng không cho phép lên máy bay.
Những chuyển động mới nêu trên cho thấy ngành hàng không toàn cầu có triển vọng sớm “cất cánh” mạnh mẽ trở lại. Tuy nhiên, giới phân tích hiện vẫn tỏ ra thận trọng về đà phục hồi của ngành kinh tế quan trọng này vì trong hơn một năm qua, không ít lần ngành hàng không từng được hy vọng sẽ phục hồi nhưng lại thất vọng vì diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Bởi vậy, “phủ sóng vắc-xin” và kiểm soát tốt dịch bệnh tại các quốc gia, bảo đảm an toàn phòng dịch bằng quy trình chặt chẽ, sẽ vẫn là “chìa khóa vàng” để mở ra “cánh cửa hy vọng” phục hồi cho ngành hàng không./.
Theo Báo Nhân Dân