Bộ trưởng Ngoại giao Đức H.Ma-át mới đây khẳng định, Béc-lin muốn thiết lập một nền tảng mới cho quan hệ song phương với Mỹ. Mặc dù chặng đường hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương còn nhiều thách thức, song những tuyên bố tích cực gần đây cho thấy thiện chí thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước.
Hàng hóa của Đức tập kết tại cảng trước khi xuất khẩu. Ảnh ROI-TƠ |
Tuyên bố nêu trên được Bộ trưởng Ngoại giao Đức đưa ra trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về quan hệ song phương sau khi Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn nhậm chức. Theo đó, ông H.Ma-át đề nghị Mỹ thiết lập một "thỏa thuận mới" nhằm tạo nền tảng chung thúc đẩy dân chủ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cũng nêu rõ, châu Âu không muốn tách biệt khỏi Mỹ trong chính sách an ninh. Liên quan vấn đề thương mại, Bộ trưởng Ngoại giao Đức nhấn mạnh, hai nước nên phá vỡ vòng luẩn quẩn trừng phạt thuế quan lẫn nhau, cho rằng đây không phải là cách ứng xử của các đối tác. Ông đề xuất đàm phán các hiệp định thương mại công bằng theo ngành nghề cụ thể, đáp ứng các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường, qua đó khẳng định tầm ảnh hưởng toàn cầu của hai bờ Đại Tây Dương. Trong quan hệ với các nước lớn, Bộ trưởng Ngoại giao H.Ma-át hy vọng hai bên có cách tiếp cận chung. Trước đó, Thủ tướng Đức A.Méc-ken cũng khẳng định, Đức đã sẵn sàng cho một chương mới trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Những tuyên bố nêu trên của các nhà lãnh đạo Đức được cho là nhằm đáp lại thông điệp tích cực của Tổng thống G.Bai-đơn. Trong cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Đức A.Méc-ken, Tổng thống Mỹ khẳng định, ông đang tìm cách hồi sinh liên minh với Đức, sau khi mối quan hệ này trở nên căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Đ.Trăm. Trước đó, ông G.Bai-đơn cũng khẳng định, quan hệ gắn bó với châu Âu là một trong những tài sản đối ngoại quý giá nhất của Oa-sinh-tơn.
Trong hơn bốn năm qua, quan hệ Mỹ - Đức đối mặt không ít sóng gió. Những bất đồng liên quan vấn đề chi tiêu quốc phòng, quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Đ.Trăm về rút quân đồn trú khỏi Đức, mối đe dọa thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Đức, cùng việc Oa-sinh-tơn đơn phương rút khỏi các hiệp định, cơ chế quốc tế... đã khiến quan hệ giữa hai nước thường xuyên ở trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Vì vậy, thông điệp hàn gắn, mà các nhà lãnh đạo Mỹ và Đức đưa ra trong thời gian gần đây, đã mở ra cơ hội sưởi ấm quan hệ song phương và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Đối với Đức, Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng. Theo Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), trong nhiều năm qua, Mỹ duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, gây ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đức sang Mỹ vẫn đạt 103,8 tỷ ơ-rô. Trong khi đó, với vai trò đầu tàu kinh tế châu Âu và là nước có tiếng nói quan trọng trong việc hoạch định, triển khai các chính sách của khu vực, Béc-lin là đối tác giúp Oa-sinh-tơn nối lại nhịp cầu hợp tác với châu Âu. Sự sát cánh của Đức cũng có thể khiến tiếng nói của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu có trọng lượng hơn.
Tuy nhiên, việc khôi phục mối quan hệ vốn đã có nhiều xáo trộn giữa hai nước khó có thể được thực hiện trong thời gian ngắn, nhất là khi Oa-sinh-tơn và Béc-lin vẫn bất đồng về nhiều vấn đề. Một trong những khúc mắc chính giữa hai nước trong thời gian gần đây là dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Ban-tích. Trong khi Mỹ muốn dừng dự án do lo ngại châu Âu quá phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, thì Đức kiên quyết bảo vệ việc triển khai Dòng chảy phương Bắc 2. Các lệnh trừng phạt mới đây của Oa-sinh-tơn nhằm vào dự án đã khiến hai bên lời qua tiếng lại.
Mặc dù vẫn còn khác biệt trong nhiều vấn đề, song Mỹ và Đức đang đứng trước cơ hội hàn gắn quan hệ đồng minh. Giới phân tích hy vọng, với sự thiện chí và nỗ lực, thời gian tới, hai nước không chỉ khôi phục quan hệ chặt chẽ trong các lĩnh vực hợp tác song phương, mà còn tích cực phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Theo nhandan.com.vn