Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 5 phát sóng ngày 23-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, nước này coi Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng của châu Âu trong lĩnh vực an ninh và di cư. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp cũng cảnh báo không nên có lập trường cứng rắn quá mức đối với Ankara vì điều này sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Ông Macron cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Nước này đã tiếp nhận nhiều người tị nạn từ Syria. Về vấn đề di cư, chúng ta cần phải hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu chúng ta ngừng các cuộc thảo luận, khoảng 3 triệu người tị nạn sẽ đổ về châu Âu”. Theo Tổng thống Pháp, Liên minh châu Âu (EU) cần phải xây dựng cuộc đối thoại có tính xây dựng với Thổ Nhĩ Kỳ trong dài hạn.
Kêu gọi giảm bạo lực ở Áp-ga-ni-xtan
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ngày 23-3 tổ chức thảo luận trực tuyến về tình hình Áp-ga-ni-xtan và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Áp-ga-ni-xtan (UNAMA). Các nước chia sẻ lo ngại về tình trạng an ninh, nhân đạo ở Áp-ga-ni-xtan và kêu gọi các bên giảm bạo lực, sớm đạt kết quả thực chất trong đàm phán hòa bình. Phái đoàn Áp-ga-ni-xtan cho biết, chính phủ nỗ lực thúc đẩy đàm phán, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ tiến trình hòa bình và tái thiết đất nước của Áp-ga-ni-xtan.
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý đã tham dự phiên thảo luận. Đại sứ khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với tiến trình hòa bình do người Áp-ga-ni-xtan dẫn dắt, cũng như các nỗ lực của các nước, LHQ và các tổ chức khu vực thúc đẩy tiến trình hòa bình Áp-ga-ni-xtan. Việt Nam kêu gọi các bên tại Áp-ga-ni-xtan sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn dài hạn./.
PV