Kinh tế toàn cầu nhìn thấy tia sáng giữa đại dịch

06:03, 23/03/2021

Dù đại dịch COVID-19 được cho là sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng và để lại hậu quả sâu sắc tới nhiều nền kinh tế trên thế giới, song theo nhận định mới nhất của lãnh đạo các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế cũng như giới chuyên gia, đã có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Khách hàng đến một cửa hàng ăn nhanh tại Los Angeles (Mỹ) sau khi một số cửa hàng được mở cửa trở lại từ giữa tháng 3-2021. Ảnh: Getty Images
Khách hàng đến một cửa hàng ăn nhanh tại Los Angeles (Mỹ) sau khi một số cửa hàng được mở cửa trở lại từ giữa tháng 3-2021. Ảnh: Getty Images

Reuters ngày 21-3 dẫn phát biểu của Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Geoffrey Okamoto cho biết, nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu đón nhận những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn, bất chấp những nguy cơ đáng kể còn tồn tại, trong đó có sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Dự kiến trong đầu tháng 4 tới, IMF sẽ cập nhật dự báo tăng trưởng toàn cầu 5,5% mà tổ chức này công bố hồi tháng 1 vừa qua.

Trước đó, đầu tháng này, IMF đã hoan nghênh gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật. IMF cho rằng, gói cứu trợ này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ mà còn thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Cụ thể, theo người phát ngôn IMF Gerry Rice, gói cứu trợ nói trên sẽ thúc đẩy GDP của Mỹ từ 5% đến 6% trong 3 năm tới và nhiều nước khác cũng sẽ bán được nhiều hàng hóa hơn cho người tiêu dùng Mỹ do nhu cầu tại nền kinh tế số một thế giới tăng lên.

Trong báo cáo đưa ra cách đây ít ngày, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cũng nhận định kinh tế thế giới năm 2021 có thể tăng trưởng 4,7% nhờ sự phục hồi cao hơn dự báo tại Mỹ. Theo UNCTAD, phục hồi kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp diễn trong cả năm nay, cho dù vẫn còn những thay đổi khó lường do bất ổn về dịch bệnh, chính sách và hợp tác.

Tương tự, hồi đầu tháng này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm nay, từ 4,2% lên 5,6%. OECD cho rằng, triển vọng kinh tế thế giới được cải thiện là do các nước đã triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cùng gói kích thích kinh tế lớn mới được thông qua tại Mỹ. “Triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây, nhờ việc từng bước triển khai chương trình tiêm chủng vaccine hiệu quả, các gói hỗ trợ tài chính bổ sung ở một số quốc gia và các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang đối phó hiệu quả hơn với đại dịch”, báo cáo của OECD nêu rõ.

Bà Laurence Boone, Nhà kinh tế trưởng của OECD cũng cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới chủ yếu là nhờ việc gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD tại Mỹ. Trong đó, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, cao hơn 3,3% so với dự báo trước đó. Và đến giữa năm 2021, sản lượng toàn cầu thậm chí có thể tăng cao hơn mức trước đại dịch.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn bày tỏ nghi ngờ về sự phục hồi trong thời gian sớm của nền kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh toàn thế giới đã có tổng cộng hơn 123 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 2,7 triệu ca tử vong. Hiện nay, tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở châu Âu, người dân cũng tỏ ra bất bình, dẫn đến tổ chức biểu tình để phản đối việc tiếp tục kéo dài các lệnh phong tỏa.

Bên cạnh đó, Phó tổng giám đốc điều hành IMF Okamoto nêu ra những lo ngại về sự khác biệt ngày càng gia tăng giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi, trong đó khoảng 90 triệu người phải sống dưới mức nghèo khổ kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo ông, vẫn chưa thể chắc chắn đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài trong bao lâu, trong khi một số quốc gia có rất ít tiềm lực để tăng các khoản chi tiêu nhằm chống lại đại dịch và giảm nhẹ các ảnh hưởng về mặt kinh tế, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp và mức nợ cao. Ngoài ra, hiện việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 giữa các quốc gia cũng đang ở trong tình trạng không đồng đều./.

ANH VŨ
Theo qdnd.vn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com