Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập X.Su-cri khẳng định các tuyên bố chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ là chưa đủ và hành động là cách duy nhất để hai bên khôi phục quan hệ song phương. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ M.Ca-vu-xô-glu cho biết quốc gia này và Ai Cập đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên kể từ khi hai nước cắt quan hệ vào năm 2013. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Éc-đô-gan bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận ban đầu này sẽ mở đường cho các cuộc đối thoại với người đồng cấp Ai Cập A.Xi-xi. Mâu thuẫn giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan nhiều vấn đề, trong đó có cuộc nội chiến nổ ra tại Li-bi từ năm 2011.
Truyền thông đưa tin Ấn Độ dự định cấm tiền kỹ thuật số
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nguồn thạo tin cho biết Ấn Độ dự định đưa ra dự luật cấm sở hữu, giao dịch tiền kỹ thuật số.
Theo nguồn tin này, dự luật có thể hình sự hóa việc sở hữu, khai thác, giao dịch, phát hành tiền kỹ thuật số. Nguồn tin của Reuters cũng nhấn mạnh rằng mặc dù có khả năng cấm tài sản mã hóa cá nhân nhưng Ấn Độ vẫn khuyến khích Blockchain (công nghệ tạo nên đồng tiền mã hóa). Tại Ấn Độ hiện có 8 triệu nhà đầu tư nắm giữ số tiền kỹ thuật số trị giá 100 tỷ rupee (1,4 tỷ USD). Nếu được hiện thực hóa, Ấn Độ sẽ trở thành một trong những quốc gia có chính sách nghiêm khắc nhất với tiền kỹ thuật số. Trung Quốc cũng cấm việc khai thác và giao dịch tiền kỹ thuật số nhưng không áp dụng hình phạt đối với việc sở hữu tài sản này. Kế hoạch trên phù hợp với chủ trương của chính phủ Ấn Độ trong tháng 1 đề nghị cấm các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân như Bitcoin. Trong khi đó, giới chức Ấn Độ cố gắng thiết lập nền tảng cho đồng tiền kỹ thuật số chính thức của nước này. Kênh RT (Nga) cho biết số người đăng ký và dòng tiền đổ vào giao dịch tiền kỹ thuật số Bitbns của Ấn Độ đã tăng gấp 30 lần so với một năm trước. Sàn giao dịch điện tử Unocoin của Ấn Độ đã ghi nhận thêm 20 nghìn người sử dụng trong tháng 1 và tháng 2./.
Theo baotintuc.vn