Hai ngày sau khi được bầu làm Chủ tịch của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, ngày 16-9, ông Suga Yoshihide tiếp tục được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn giữ chức Thủ tướng thứ 99 của nước này.
Trở thành người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, ông Suga Yoshihide ghi thêm một mốc son mới trong sự nghiệp chính trị đáng kinh ngạc của mình, song cũng đứng trước những sức ép và nhiệm vụ nặng nề.
Việc ông Suga Yoshihide vượt qua cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch mới LDP cách đây vài ngày được coi là tấm “kim bài” để bảo đảm gần như chắc chắn rằng ông sẽ bước vào chiếc ghế Thủ tướng do LDP hiện đang nắm quyền kiểm soát ở cả hai viện Quốc hội. Và không nằm ngoài dự đoán, những lá phiếu được đưa ra trong cuộc họp bất thường của Quốc hội Nhật Bản ngày 16-9 hoàn toàn đi theo kịch bản này. Tại Hạ viện, ông Suga Yoshihide nhận được 314 phiếu ủng hộ trong tổng số 465 nghị sĩ, trong khi tỷ lệ ủng hộ chính trị gia đang lên này tại Thượng viện là 142/245.
![]() |
Tân Thủ tướng Suga Yoshihide. Ảnh: Reuters |
Ông Suga Yoshihide ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng thay cho ông Abe Shinzo, người mới quyết định từ chức cách đây không lâu, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang khiến nền kinh tế toàn cầu trải qua cơn bạo bệnh, và Nhật Bản cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng, ngay từ trước khi những con virus mang hình hài ác quỷ tràn vào xứ sở Mặt trời mọc, kinh tế nước này đã bước vào một cuộc suy thoái mới. Bằng chứng là theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, tăng trưởng kinh tế thực của nước này trong quý I-2020 tiếp tục giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi theo nhận định của giới phân tích, tâm lý bi quan liên tục ám ảnh các nhà sản xuất Nhật Bản trong suốt 14 tháng qua. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự báo, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng âm 4,7% trong tài khóa 2020 kết thúc vào cuối tháng 3-2021 - mức sụt giảm với tốc độ nhanh nhất sau nhiều thập niên.
Không chỉ có vậy, dù tốc độ lây lan dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm, đến nay Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19, trong đó chỉ riêng Thủ đô Tokyo đã có tới hơn 22.400 ca nhiễm. Trước khi ông Abe Shinzo chia tay chính trường, Chính phủ Nhật Bản cũng phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích bởi chưa tìm ra được chiến lược hiệu quả để đối phó với đại dịch toàn cầu này. Thách thức với Nhật Bản hiện nay còn là các vấn đề nan giải như nợ công, tỷ lệ sinh thấp, đặc biệt là tình trạng già hóa dân số trầm trọng... Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản gần đây cho biết số người từ 100 tuổi trở lên ở Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 80 nghìn kể từ khi nước này bắt đầu thống kê vào năm 1963.
Vì sao lại là Suga Yoshihide mà không phải một ai khác? Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là dưới thời đại Abe Shinzo, Nhật Bản chứng kiến sự ổn định kéo dài về chính trị. Trước khi ông Abe Shinzo tái đắc cử thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012, Nhật Bản đã trải qua 6 đời Thủ tướng chỉ trong vỏn vẹn 6 năm. Cũng chính vì thế, việc lựa chọn ông Suga Yoshihide-một đồng minh lâu năm của người tiền nhiệm Abe Shinzo, trước hết sẽ góp phần xoa dịu những lo ngại của giới lãnh đạo cũng như công chúng Nhật Bản về viễn cảnh sự ổn định kéo dài nói trên có thể sụp đổ.
Hơn thế nữa, gần 8 năm sát cánh cùng ông Abe Shinzo trên vai trò Chánh văn phòng Nội các là quãng thời gian đủ để ông Suga Yoshihide nắm rõ đường đi nước bước trong hàng loạt quyết sách quan trọng của chính quyền tiền nhiệm, mà nổi bật nhất là chính sách kinh tế đặc trưng mang tên “Abenomics”. Dù bề ngoài, ông Suga Yoshihide được biết tới nhiều nhất với tư cách là người phát ngôn hàng đầu Chính phủ thông qua hàng nghìn cuộc họp báo, lâu nay ông vẫn được giới quan sát nhìn nhận như cánh tay phải đắc lực-nhân vật chủ chốt trong các cuộc kiến tạo và thực thi các chính sách của chính quyền Abe Shinzo trên nhiều lĩnh vực. Đó có lẽ là lý do khiến chính trị gia 71 tuổi này luôn giữ chắc được chiếc ghế Chánh văn phòng sau hàng loạt cuộc cải tổ Nội các.
Suy cho cùng, trong thời điểm mà Nhật Bản vẫn chưa xác quyết được hướng đi cụ thể hậu kỷ nguyên Abe Shinzo, cái tên Suga Yoshihide xem ra là lựa chọn an toàn nhất. Về phần mình, tân Thủ tướng Nhật Bản gần đây khẳng định sau khi lên nắm quyền, ông sẽ tiếp tục kế thừa những di sản và theo đuổi các chính sách của người tiền nhiệm. Thay đổi có chăng là ở chỗ, ông Suga Yoshihide từ một nhân vật phía hậu trường của chính quyền Abe Shinzo sẽ bước ra sân khấu chính trị với tư cách là người đứng mũi chịu sào.
Khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng của ông Suga Yoshihide có thể sẽ bị đè nặng bởi những vấn đề mà cá nhân ông và đất nước Nhật Bản đang đối mặt. Ngoài hai bài toán cấp bách là kinh tế và đại dịch, trước mắt vị Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản là hàng loạt thách thức lớn cả về đối ngoại, bao gồm tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh ổn định với Mỹ, xây dựng quan hệ ổn định với Trung Quốc và các nước láng giềng, cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, thúc đẩy các cuộc đàm phán với Nga về vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ... Trong bối cảnh nhiệm kỳ còn lại chỉ khoảng 1 năm, giải quyết tất cả những vấn đề này là điều không tưởng.
Thế nên, cũng có thể tin rằng, sau lễ nhậm chức và công bố thành phần Nội các mới, ông Suga Yoshihide sẽ rốt ráo bắt tay vào giải quyết hai vấn đề quyết định tới tương lai của đất nước, đó là xử lý đại dịch và tìm cách xoay chuyển nền kinh tế đang trì trệ thông qua việc duy trì, tạo công ăn việc làm, đưa các doanh nghiệp trở lại với guồng quay hoạt động bình thường; cùng với đó là thực hiện cam kết khống chế dịch bệnh và có đủ vaccine cho toàn bộ người dân Nhật Bản vào nửa đầu năm tới. Có làm được điều này, tân Thủ tướng Nhật Bản mới rảnh tay thực hiện những kế hoạch nhiều hoài bão hơn.
Khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ không dài, song vẫn được coi là đủ để ông Suga Yoshihide ít nhiều khẳng định được bản sắc riêng và chứng tỏ rằng ông đã sẵn sàng bước ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm, từ đó giúp công chúng và giới doanh nghiệp nhận ra hình ảnh một nhà lãnh đạo đủ tài lèo lái đất nước vượt qua thách thức và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ họ.
Tân Thủ tướng Suga Yoshihide được coi là một điển hình của mẫu người bền bỉ ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Nhưng có vẻ như tình thế buộc ông phải nhập cuộc cấp tốc để thực hiện sứ mệnh lớn nhất trong cuộc đời làm chính trị của mình./.
VŨ HÙNG
Theo qdnd.vn