Ngành du lịch thế giới đã chứng kiến sự suy giảm lớn nhất kể từ những năm 1950, với số liệu tăng trưởng giảm tới 70%. Dù những ngày gần đây, các điểm tham quan dần mở cửa trở lại, nhiều nước tung ra biện pháp kích cầu du lịch, song dự báo sự phục hồi của “ngành công nghiệp không khói” sẽ không dễ dàng trong trạng thái bình thường mới.
Đà Nẵng khai thác các đường bay Lào, Ấn Độ để chuyển dịch thị trường khách du lịch. Ảnh: Xuân Quỳnh |
Đóng góp khoảng 10% GDP toàn cầu và cung cấp 10% việc làm trên thế giới, du lịch được đánh giá không chỉ là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tổn thất, mà còn là ngành sẽ mất nhiều thời gian hồi phục sau đại dịch COVID-19. Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), các biện pháp hạn chế đi lại và việc các sân bay, biên giới quốc gia đóng cửa đã đẩy du lịch quốc tế chìm sâu vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua. UNWTO dự báo, số khách du lịch quốc tế có thể giảm từ 60% đến 80% trong năm nay. Số khách đến đã giảm 22% trong ba tháng đầu năm nay và giảm 57% trong riêng tháng ba vừa qua, trong đó châu Á và châu Âu chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất.
Các doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành du lịch cũng đang lao đao trong việc duy trì hoạt động. Văn phòng Thống kê quốc gia Tây Ban Nha (INE) cho biết, không có bất kỳ du khách nào tới nước này trong tháng 4 vừa qua do tác động của lệnh phong tỏa. Doanh thu của ngành du lịch Tây Ban Nha, quốc gia thu hút khách du lịch nhiều thứ hai thế giới sau Pháp, giảm khoảng 50% trong bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2019. Tại châu Á, dự báo doanh thu của các tổ chức du lịch hàng đầu Hàn Quốc trong quý II này sẽ giảm mạnh tới 74,1% so cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, hơn 149 quốc gia áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân Hàn Quốc khiến số lượt du khách Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài tháng tư vừa qua giảm hơn 98,6%, còn lượt khách quốc tế đến Hàn Quốc giảm 98,2% so cùng kỳ năm 2019.
Các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới đã mở cửa trở lại, song nhiều khu vực vẫn vắng bóng du khách. Khi mùa hè đang tới gần ở phía bắc bán cầu, nơi nền kinh tế vốn dựa rất nhiều vào hoạt động du lịch, nhiều hãng lữ hành vẫn băn khoăn với nỗi lo lớn vì vắng khách trong mùa cao điểm. Nhiều doanh nghiệp và nhiều nước khuyến khích người dân đi du lịch trở lại, nhưng giữ thái độ thận trọng cần thiết. TUI, công ty du lịch lớn nhất thế giới có trụ sở tại Ha-nô-vơ (Đức), cho biết sẽ sớm mở lại một phần trong tổng số 400 khách sạn và khu nghỉ dưỡng của mình. Nhiều hoạt động kích cầu du lịch được đẩy mạnh. Áo và Đức quyết định mở lại ba cửa khẩu chung. Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất những nước có cùng mức độ dịch trong Liên hiệp châu Âu (EU) nên mở cửa cho nhau, để dần tiến tới việc khôi phục tự do đi lại trong toàn bộ 27 nước thành viên. Một số nước vùng Ban-tích cho phép người dân đi lại trong nhóm với nhau. Còn ở châu Đại dương, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân cũng đồng ý cho người dân du lịch qua lại giữa hai nước.
EU đã vạch kế hoạch từng bước khôi phục hoạt động du lịch trong mùa hè này, với hy vọng sẽ “giải cứu” hàng triệu việc làm đang bị đe dọa. Chính phủ Đức đang có ý định dỡ bỏ cảnh báo du lịch đối với 31 quốc gia châu Âu kể từ ngày 15-6 tới nhằm hồi sinh ngành du lịch. Nước này dự kiến nối lại hoạt động du lịch với 26 nước thành viên EU khác và Anh cũng như bốn quốc gia ngoài EU thuộc khu vực miễn thị thực Sen-ghen. Chính phủ Ca-na-đa cũng lên kế hoạch thúc đẩy du lịch nội địa. Với 30 triệu CAD (21,9 triệu USD) theo kế hoạch ban đầu được sử dụng để thu hút du khách quốc tế, Ca-na-đa chuyển sang dùng số tiền này để hỗ trợ các tỉnh, bang và vùng lãnh thổ trong chiến dịch khuyến khích người dân du lịch và khám phá các danh lam thắng cảnh trong nước. Tại Nhật Bản, chính phủ nước này tìm cách khôi phục ngành du lịch, một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế, bằng cách cấp tiền cho người dân đi du lịch trong nước. Khoảng 1.350 tỷ yên trong gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá hơn 200 nghìn tỷ yên của Chính phủ Nhật Bản sẽ được dành cho sáng kiến “Go To Travel”. Theo đó, chính phủ sẽ trợ cấp tới 20 nghìn yên (185 USD)/ngày cho người dân đi du lịch.
Sức tàn phá của đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch thế giới. Sự phục hồi của ngành này còn tùy thuộc việc các đường biên giới quốc tế được mở lại sớm như thế nào. Theo kịch bản tốt nhất, nếu các biện pháp hạn chế đi lại bắt đầu được nới lỏng từ đầu tháng 7 tới, số khách du lịch quốc tế có thể chỉ giảm 58%. Nếu hoạt động đi lại giữa các nước được nối lại từ đầu tháng 9, sự sụt giảm trong hoạt động đi lại quốc tế có thể dẫn tới thất thu từ 910 tỷ USD đến 1.200 tỷ USD doanh thu từ du lịch và làm mất 100 đến 120 triệu việc làm trực tiếp trong lĩnh vực này. Nhiều nước hiện đang nỗ lực tìm biện pháp phục hồi du lịch thời hậu COVID-19, song tương lai của “ngành công nghiệp không khói” được dự báo tiếp tục ảm đạm ít nhất hết năm nay./.
Theo Báo Nhân Dân