Ngày 2-6, nước Pháp bước sang giai đoạn 2 của lộ trình dỡ bỏ phong toả khi hết quy định cấm di chuyển quá phạm vi 100km. Các quán cà-phê, quán bar và nhà hàng mở cửa đón khách trở lại sau hơn hai tháng đóng cửa do dịch bệnh bùng phát.
Ùn tắc kéo dài hơn 200km trên các trục đường chính chung quanh Paris ngay từ sáng 2-6. |
Như vậy, nhịp sống ở Pháp đã dần trở lại gần như bình thường. Hai hoạt động trên được người dân mong chờ nhất kể từ khi lệnh phong tỏa được ban hành ngày 17-3. Từ bây giờ, mọi người lại có thể di chuyển trên khắp nước Pháp để đi làm, gặp người thân sau thời gian dài xa cách hay vui chơi, nghỉ ngơi.
Dù tiếp tục phải tôn trọng quy định về giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang trên các phương tiên giao thông công cộng, người dân có thể tới công viên, vườn hoa, bãi biển hay danh lam thắng cảnh. Một số hạn chế vẫn được duy trì ở vùng thủ đô, nơi còn trong tình trạng "màu vàng", tức là còn nhiều lo ngại về nguy cơ lây nhiễm hay số bệnh nhân trong bệnh viện ở mức cao.
Tại Paris và các khu vực chung quanh, chỉ những quán cà-phê hay nhà hàng có chỗ ngồi ngoài trời mới được mở cửa. Vào giờ cao điểm, phương tiện công cộng chỉ dành riêng cho người đi làm có giấy xác nhận của cơ quan. Chính vì vậy, tình trạng ùn tắc giao thông đã xảy ra ngay từ ngày đầu tiên của giai đoạn 2 hậu phong tỏa vì nhiều người sử dụng phương tiện cá nhân như ô-tô.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire dự báo rằng, GDP của Pháp có thể giảm tới 11% trong năm nay so với mức 8% đưa ra trước đó. Ông Bruno Le Maire nhận định, cú sốc kinh tế ở mức vô cùng nghiêm trọng nhưng nền kinh tế Pháp có thể phục hồi vào năm 2021.
Hoạt động kinh tế, nhất là trong lĩnh vục dịch vụ như du lịch, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng chưa thể trở lại bình thường trong một vài tuần tới vì còn các hạn chế về khoảng cách từ 1m trở lên và số khách. Đây là nguyên nhân khiến cho doanh thu của các doanh nghiệp chỉ ở mức "khởi động". Các doanh nghiệp cũng phải đầu tư mua đồ chống dịch như khẩu trang, găng tay, tấm chắn chống dịch cho nhân viên cũng như khách ở một số cửa hàng. Đây mà bài toán khó giải quyết hiện nay vì ít khách thì lỗ mà tăng giá thì mất khách.
Trong một diễn biến khác, tối 2-6, hơn 20 nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình trước trụ sở mới của Tòa án Paris bất chấp lệnh cấm của cảnh sát. Mục đích là để phản đối cảnh sát cũng như tòa án liên quan đến trường hợp tử vong năm 2016 của một thanh niên da đen, 24 tuổi. Ngày 19-7-2016, Adama Traore bị bắt giữ khi ngăn cản việc cảnh sát bắt giữ anh trai của mình có liên quan đến một vụ tống tiền. Các nhà điều tra khẳng định các nhân viên y tế tìm thấy một số vết lở loét trên thân thể Adama Traore nhưng không phát hiện bất cứ dấu vết xâm hại nào.
Những người biểu tình đã chặn đường vành đai ở phía bắc gần trụ sở tòa án, gây ra một số vụ đốt phá. Lực lượng cảnh sát chống bạo động đã được huy động tới hiện trường, sử dụng hơi cay để giải tán đám đông vào lúc xuất hiện nguy cơ bạo động lan rộng.
Cảnh sát Paris cho biết, cuộc biểu tình vẫn diễn ra dù không được phép tổ chức khi tình trạng khẩn cấp y tế còn hiệu lực, nghiêm cấm tụ tập hơn 10 người. Các chuyên gia Pháp lo ngại tình trạng này có thể tái diễn vì những người tham gia biểu tình được kêu gọi qua mạng xã hội "bí mật". Không chỉ làm tăng nguy cơ lây lan trong đám đông, hiện tượng biểu tình dẫn tới bạo động được cho là "hiệu ứng" từ nước Mỹ vì diễn ra cùng lúc ở cả một số thành phố khác tại Pháp.
Tính tới tối 2-6, Pháp ghi nhận 28.940 ca tử vong, tăng 107 so với một ngày trước. Số bệnh nhân được điều trị trong bệnh viện tiếp tục giảm. Hiện chưa phát hiện ổ dịch lớn kể từ khi nới lỏng lệnh phong tỏa từ ngày 11-5. Do dịch chưa có dấu hiệu giảm hẳn, Chính phủ Pháp vẫn có kế hoạch kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế khi hết hạn vào ngày 10-7.
Theo nhandan.com.vn