Cùng với việc phải căng mình đối phó với đại dịch COVID-19 trong một thời gian dài, nước Mỹ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng mới khi các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc tiếp tục lan rộng.
Cảnh sát dùng hơi cay giải tán đám đông biểu tình trên một con phố ở Minneapolis, bang Minnesota. Ảnh: Getty Images |
Từ ngày 29-5 vừa qua, nhiều cuộc biểu tình với quy mô khác nhau đã nổ ra trên khắp nước Mỹ nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bày tỏ phẫn nộ trước việc một người đàn ông da màu tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota 4 ngày trước đó. Người thiệt mạng là công dân Mỹ gốc Phi George Floyd. Một đoạn video cho thấy ông George Floyd đã bị một viên cảnh sát da trắng đè cổ xuống đất bằng đầu gối gần 8 phút, trong khi ông nằm sấp, bị còng tay và nói mình không thở được. Ông George Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương, còn viên cảnh sát đã bị bắt giữ với cáo buộc giết người cấp độ 3 và ngộ sát.
Bắt đầu từ thành phố Minneapolis, nơi diễn ra vụ việc, các cuộc biểu tình đã nhanh chóng lan rộng tới nhiều thành phố khác ở Mỹ. Tại thành phố New York, tình hình liên tiếp leo thang căng thẳng với một số vụ đụng độ giữa cảnh sát địa phương và những người biểu tình quá khích trong đêm 29, rạng sáng 30-5, khiến cả hai bên đều có người bị thương. Một số người biểu tình còn ném chai lọ, gạch đá và đập phá, đốt cháy xe cảnh sát, buộc lực lượng cảnh sát phải xịt hơi cay đáp trả.
Tương tự, tại khu vực trung tâm thương mại ở Los Angeles, người biểu tình đã phá một số cửa hàng, dẫn tới đụng độ với cảnh sát. Đến nay, đã có ít nhất 500 người biểu tình bị bắt khi cố tình phá hoại và cướp bóc tài sản công. Trong khi đó, cảnh sát thành phố Houston, bang Texas cũng bắt giữ gần 200 người biểu tình quá khích. 4 sĩ quan cảnh sát đã bị thương nhẹ trong các vụ xô xát với đám đông…
Còn tại Thủ đô Washington, người biểu tình thậm chí đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng và tuần hành đến Đồi Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ để phản đối.
Trước tình hình trên, trong ngày 30-5 (theo giờ Mỹ), một loạt thành phố như Los Angeles, Philadelphia, Atlanta, Kentucky, Seattle… đã ban bố lệnh giới nghiêm để ngăn chặn nguy cơ bạo lực xảy ra. Tại Seattle, thành phố lớn nhất của bang Washington, người dân và khách du lịch được khuyến cáo nên ở trong nhà và hạn chế tối đa việc đi lại trong thời điểm lệnh giới nghiêm được thực thi. Theo ông Jenny Durkan, Thị trưởng Seattle, quyết định ban bố lệnh giới nghiêm được đưa ra nhằm ngăn chặn bạo lực và tình trạng người biểu tình phá hoại tài sản, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh do tụ tập đông người.
Trong khi đó, hơn 1.000 thành viên lực lượng Vệ binh quốc gia đã được triển khai để tăng cường an ninh và hỗ trợ lập lại trật tự tại thành phố Minneapolis, nơi vẫn đang được coi là tâm điểm của các cuộc biểu tình và bạo loạn đường phố trong vài ngày gần đây.
Về phần mình, ngày 31-5 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lực lượng quân đội đã sẵn sàng để được triển khai tới thành phố Minneapolis để dẹp yên tình hình. “Chúng tôi đã chỉ đạo quân đội sẵn sàng, nếu họ yêu cầu quân đội. Chúng tôi có thể nhanh chóng triển khai lực lượng trên thực địa. Hiện nay, họ đang triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia”, người đứng đầu Nhà Trắng nêu rõ.
Ngoài ra, ông Donald Trump cũng kêu gọi chính quyền các bang áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn để ổn định tình hình, đồng thời cảnh báo “sẽ có rất nhiều người bị bắt”.
Theo nhận định của CNN, các cuộc biểu tình diễn ra trên nhiều thành phố đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát tại nước Mỹ. Trong khi các quan chức Mỹ cảnh báo người biểu tình rằng họ đang tự đặt mình vào nguy cơ nhiễm dịch bệnh, các chuyên gia y tế cho rằng mầm bệnh có thể sẽ dễ dàng lây lan trong đám đông biểu tình có nhiều người không đeo khẩu trang.
Ông Tim Walz, Thống đốc bang Minnesota, khi nói về tình thế hiện nay của bang Minnesota nói riêng và nước Mỹ nói chung đã phải thừa nhận rằng: “Chúng ta đang bị mắc kẹt giữa hai cuộc khủng hoảng”./.
Theo QĐND