Theo Hindustan Times, ngày 28-6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết nước này đang trải qua năm khó khăn nhất vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch COVID-19. “Đây là năm khó khăn nhất do Iran bị gây áp lực về kinh tế và phải đối phó với COVID-19”, ông Hassan Rouhani khẳng định.
Tổng thống Iran cũng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này vốn bị tác động nặng nề kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Quan hệ giữa Iran và Mỹ trở nên căng thẳng kể từ tháng 5-2018 khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) vào năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Sau đó, Washington đã tăng cường áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Anh sẵn sàng rời EU “theo kiểu Australia”
Ngày 27-6, Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu với người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki rằng London sẵn sàng cắt đứt mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và thiết lập quan hệ “theo các điều kiện như Australia” nếu không đạt được thỏa thuận về tương lai mối quan hệ của hai bên.
Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, Thủ tướng Johnson tuyên bố: “Anh sẽ đàm phán mang tính xây dựng song phải bình đẳng và sẽ sẵn sàng ngừng giai đoạn chuyển tiếp và thiết lập quan hệ theo các điều kiện như Australia nếu thỏa thuận không thể đạt được”.
Cùng ngày 27-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Anh sẽ phải “chấp nhận hậu quả” khi có mối quan hệ kinh tế yếu hơn với EU sau khi đã rời khỏi khối này. Trả lời phỏng vấn báo giới, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh Thủ tướng Anh Boris Johnson mong muốn có thể xác định rõ phạm vi của những mối quan hệ giữa London và EU, song “sau này ông ấy dĩ nhiên sẽ phải chấp nhận những hậu quả - đó là một nền kinh tế kết nối lỏng lẻo hơn với các nước láng giềng tại châu Âu”.
Anh rời khỏi EU vào ngày 31-1. Giai đoạn chuyển tiếp, trong đó Anh vẫn là thành viên trong thị trường đơn nhất và liên minh thuế quan của EU, sẽ hết hạn vào ngày 31-12 tới.
Về “các điều kiện như Australia”, hiện Australia không có một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU. Hầu hết các giao dịch thương mại giữa EU và Australia đều tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngoại trừ một số thỏa thuận đặc biệt đang có đối với một số hàng hóa nhất định./.
Theo qdnd.vn