WHO ưu tiên bảo vệ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống COVID-19

08:03, 05/03/2020

Trong cuộc họp báo chiều 3-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về nguồn cung trang thiết bị bảo hộ cá nhân và hối thúc các quốc gia bảo vệ các nhân viên y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.  Ảnh: Reuters
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Ảnh:
Reuters

Tổng Giám đốc Ghebreyesus đã tóm tắt những diễn biến chính về tình hình COVID-19 trên thế giới. Tính đến chiều qua, thế giới ghi nhận 90.893 ca nhiễm và 3.110 trường hợp tử vong do COVID-19. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận thêm 129 ca nhiễm. Đây là số ca nhiễm mới thấp nhất trong một ngày tại Trung Quốc kể từ ngày 20-1. Bên ngoài Trung Quốc, 1.848 ca nhiễm mới được ghi nhận tại 48 quốc gia. Trong đó, 80% số ca được phát hiện tại Hàn Quốc, Iran và Italy. Có thêm 12 nước ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, 122 quốc gia chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Hiện có 21 quốc gia chỉ ghi nhận một trường hợp nhiễm COVID-19.

Không thể điều trị COVID-19 giống hệt cách điều trị cúm

Theo ông Ghebreyesus, khi chúng ta có thêm dữ liệu, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về virus SARS-CoV-2 và bệnh do loại virus này gây ra (COVID-19). Virus SARS-CoV-2 không phải là SARS, MERS hay cúm. Nó là một loại virus bất thường với các đặc tính bất thường. Cả COVID-19 và cúm đều gây ra bệnh về đường hô hấp và lây lan theo cùng một cách, đó là thông qua nước mũi, nước bọt của người bệnh. Tuy nhiên, giữa COVID-19 và cúm có một số khác biệt quan trọng.

Đầu tiên, dữ liệu của WHO cho thấy, COVID-19 không lây lan mạnh như cúm. Đối với bệnh cúm, người bị cúm nhưng chưa đổ bệnh sẽ là phương tiện truyền nhiễm chính. Nhưng điều này dường như không xảy ra đối với các ca nhiễm COVID-19. Thực tế tại Trung Quốc cho thấy, chỉ 1% ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng và phần lớn các ca bệnh xuất hiện các triệu chứng trong vòng hai ngày. Một số quốc gia đang phát hiện ca nhiễm COVID-19 bằng cách sử dụng các hệ thống giám sát bệnh cúm và các bệnh khác về đường hô hấp. Những nước như Trung Quốc, Ghana, Singapore... đã không tìm thấy hoặc phát hiện rất ít các ca nhiễm COVID-19 trong các mẫu bệnh phẩm như vậy.

Tổng Giám đốc WHO cho rằng, cách duy nhất để xác nhận các ca nhiễm COVID-19 là tìm kháng thể COVID-19 trong cơ thể của nhiều người. Một số quốc gia đang nghiên cứu về phương pháp này, từ đó chúng ta sẽ hiểu biết sâu sắc hơn về sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng.

Thứ hai, COVID-19 gây ra nhiều bệnh nặng hơn cúm mùa. Trong khi nhiều người trên thế giới đã có khả năng miễn dịch đối với các chủng cúm mùa thì COVID-19 vẫn là một chủng virus mới mà chưa ai có khả năng miễn dịch. Điều đó có nghĩa là nhiều người dễ bị nhiễm COVID-19 và một số người sẽ bị bệnh nặng. Đến nay, khoảng 3,4% người nhiễm COVID-19 trên đã giới đã qua đời, trong khi tỷ lệ tử vong do cúm mùa thường là dưới 1%.

Thứ ba, thế giới đã có nhiều loại vaccine và phương pháp điều trị cúm mùa, nhưng tại thời điểm này, chưa có vaccine và phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho COVID-19. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng về phương pháp điều trị COVID-19 đang được triển khai, và hơn 20 loại vaccine đang trong giai đoạn phát triển.

Thứ tư, chúng ta không nói về cách ngăn chặn cúm mùa vì đó là điều không thể. “Song chúng ta có thể ngăn chặn COVID-19. Chúng ta không truy tìm con đường lây lan cúm mùa, nhưng các quốc gia nên làm như vậy đối với COVID-19, bởi vì việc này sẽ ngăn chặn dịch bệnh lây lan và cứu nhiều mạng sống. Ngăn chặn là việc có thể làm”, ông Ghebreyesus khẳng định.

Theo ông Ghebreyesus, những sự khác biệt này cho thấy, thế giới không thể điều trị COVID-19 giống hệt cách điều trị cúm.

Quan ngại về nguồn cung trang - thiết bị bảo hộ y tế

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ông Ghebreyesus bày tỏ quan ngại rằng, sự gián đoạn nghiêm trọng và ngày càng tăng đối với nguồn cung toàn cầu về trang thiết bị bảo hộ cá nhân đang gây ảnh hưởng đến năng lực ứng phó COVID-19 của các quốc gia. Việc tích trữ, lạm dụng và gia tăng nhu cầu sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân đã gây ra sự gián đoạn này. Giá của khẩu trang y tế đã tăng gấp sáu lần, giá của khẩu trang N95 tăng gấp ba lần, trong khi giá của áo dành cho nhân viên y tế tăng gấp hai lần. Tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang y tế, mặt nạ chống độc, kính bảo hộ,... đang đẩy các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 vào tình thế nguy hiểm khi chăm sóc người bệnh. Tổng Giám đốc WHO khẳng định, chúng ta không thể ngặn chặn COVID-19 mà không bảo vệ các nhân viên y tế.

Đến nay, WHO đã chuyển gần 500 nghìn bộ thiết bị bảo hộ cá nhân tới 27 quốc gia. Song ông Ghebreyesus cảnh báo, nguồn cung đang sụt giảm nhanh chóng. WHO ước tính, mỗi tháng công tác ứng phó COVID-19 sẽ cần đến 89 triệu khẩu trang y tế, 76 triệu găng tay y tế và 1,6 triệu kính bảo hộ. WHO đã hướng dẫn các quốc gia sử dụng hợp lý trang thiết bị bảo hộ cá nhân tại các cơ sở y tế cũng như quản lý nguồn cung hiệu quả. Ngoài ra, WHO đang làm việc với các chính phủ, nhà sản suất và mạng lưới chuỗi cung ứng trong đại dịch để thúc đẩy sản xuất và bảo đảm nguồn cung cho các quốc gia đang trong tình trạng nguy hiểm và quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19. WHO vẫn tiếp tục kêu gọi các nhà sản xuất khẩn trương đẩy mạnh hoạt động cũng như hối thúc các nước khuyến khích các nhà sản xuất tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu hiện nay và bảo đảm nguồn cung.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, riêng WHO hay một ngành công nghiệp nào đó không thể giải quyết vấn đề này, mà cả thế giới cần phối hợp để bảo đảm rằng mọi quốc gia đều có thể bảo vệ những người đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19./.

Theo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com