Mâu thuẫn về thỏa thuận thương mại sau Brexit

08:02, 05/02/2020

Theo Roi-tơ và tin nước ngoài, ngày 3-2, ba ngày sau khi Anh chính thức rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, cả hai bên đã công bố các mục tiêu trong đàm phán thỏa thuận thương mại mới, song ngay lập tức bộc lộ mâu thuẫn khi đưa ra những tầm nhìn khác nhau về mối quan hệ tương lai.

Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn phát biểu ý kiến tại Ðại học Hải quân hoàng gia ở Luân Ðôn. Ảnh BLOOMBERG
Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn phát biểu ý kiến tại Ðại học Hải quân hoàng gia ở Luân Ðôn. Ảnh BLOOMBERG

Anh đặt ra thời hạn đạt thỏa thuận trước cuối năm nay, trong khi EU cảnh báo, nếu Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn muốn một thỏa thuận không thuế quan, không hạn ngạch, thì phải tuân thủ các quy định của EU. Tuy nhiên, ông Giôn-xơn cho biết, chính EU “có nghĩa vụ” chấp nhận các quy tắc của Luân Ðôn. Anh ủng hộ thương mại tự do và kiên quyết bảo vệ “chủ quyền” của nước này.

* Ðồng bảng Anh giảm 1,54% giá trị so với USD trong phiên giao dịch ngày 3-2, khi một bảng Anh đổi được 1,2999 USD. Các nhà phân tích cảnh báo, giá trị của bảng Anh có thể tiếp tục giảm, khi các điều khoản cứng rắn của Thủ tướng B.Giôn-xơn khiến Anh và EU khó đạt một thỏa thuận thương mại sau Brexit, trong giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng tới.

* Truyền thông Pháp cho rằng, Brexit là tổn thất lớn của EU, có thể làm “đảo lộn” bức tranh tổng quan châu Âu. Theo tờ Le Monde và Les Echos, sau Brexit, EU mất đi 66 triệu dân, cùng 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo Thủ tướng Ðức A.Méc-ken, Anh từ vai trò một thành viên, trở thành “một nước cạnh tranh ngay cửa ngõ”. EU hiện chỉ còn một nước ủy viên thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là Pháp.

Theo nhandan.com.vn

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com