Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới hoành hành ở Trung Quốc đang gieo rắc nỗi khiếp sợ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Để hiểu rõ hơn về dịch bệnh do chủng virus này, cần phải làm rõ một khái niệm được gọi là “tam giác dịch tễ học”.
Tam giác dịch thực chất là một phương trình. Nó cho thấy rằng mọi trận dịch, bất kể đặc điểm cụ thể khác nhau, đều phụ thuộc vào sự tương tác giữa ba yếu tố: mầm bệnh (tác nhân gây nhiễm bệnh), vật chủ (sinh vật có nguy cơ bị nhiễm bệnh) và môi trường (môi trường xảy ra lây nhiễm).
Mỗi một dịch bệnh - có thể là cúm, dịch tả hoặc thậm chí là dịch hành vi như lái xe khi say rượu - là kết quả của sự thay đổi mạnh ở một trong những góc này của tam giác dịch, sau đó gây ra hiệu ứng domino dẫn đến sự bùng nổ bất ngờ các ca lây nhiễm mới.
Bác sĩ mặc đồ bảo hộ điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới tại Vũ Hán. Ảnh: Reuters |
Trong một ví dụ kinh điển về hiện tượng này, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi môi trường liên quan đến sự bùng phát của các đại dịch cúm toàn cầu. Vào giữa thế kỷ 16, những con vịt được đưa tới các cánh đồng lúa ở Trung Quốc để ăn côn trùng phá hoại mùa màng. Từ đây, vịt sống cùng một thành phần điển hình khác của các trang trại Trung Quốc là lợn. Đặc điểm sinh học độc đáo của loài vịt khiến nó trở thành một kho lớn chứa rất nhiều virus, trong khi lợn lại có “khả năng” cao trong việc pha trộn các loại virus khác nhau lại với nhau thành các chủng virus mới và truyền chúng cho con người.
Việc nhân giống hai loài động vật này gần nhau nhanh chóng dẫn đến sự kết hợp và lan truyền các chủng virus mới. Những mầm bệnh mới, có độc lực cao - như các chủng cúm lợn - vịt lai - sau đó vượt qua các rào cản về loài và làm khổ loài người kể từ đó.
Họ virus Corona (được gọi như vậy vì chúng giống như những vương miện phát sáng), bao gồm chủng virus Vũ Hán mới, rất khó để kiểm soát. Virus Corona gây ra các bệnh từ cảm thông thường, cho đến viêm phế quản, viêm phổi, nhưng họ virus này đang lan rộng và gây ra cả những ngoại lệ nguy hiểm như Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), vốn có tỉ lệ tử vong lần lượt tới 15% và 35%. Tính đến ngày 2-2, đã có ít nhất 305 người thiệt mạng và khoảng 14.300 người nhiễm chủng Corona mới tại Trung Quốc đại lục. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30-1 đã tuyên bố dịch virus Corona chủng mới (có tên 2019-nCov) là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Theo tiến sĩ Dan Werb trong bài viết trên tờ New York Times, hiểu về tam giác dịch rất quan trọng trong phòng chống dịch bệnh mới. Liệu có phải sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc di truyền của mầm bệnh cũ, sự thay đổi trong tính dễ tổn thương của quần thể ký chủ hoặc sự biến đổi về môi trường đã hình thành nên mối đe dọa xuất phát từ Vũ Hán? Khi dịch Vũ Hán tiếp tục lan rộng, áp dụng phép tính của tam giác dịch vẫn là cách đáng tin cậy để lập biểu đồ cho một phản ứng y tế cộng đồng hiệu quả.
Trước hết, ở góc đầu tiên của tam giác dịch, chúng ta cần biết mức độ dịch chuyển của mầm bệnh mới này từ các chủng virus Corona trước đó, dựa trên tiềm năng và độc lực truyền nhiễm của nó. Từ sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm bệnh kể từ khi trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được báo cáo vào ngày 31-12, thì chủng virus “Corona Vũ Hán” rất dễ lây nhiễm. Virus SARS có tỷ lệ tái sinh sôi cơ bản (gọi tắt là R0) tương đối thấp là 0,5, nghĩa là cứ hai ca SARS chỉ dẫn đến một ca lây nhiễm thêm.
Theo ước tính ban đầu được chia sẻ bởi WHO, chủng virus “Corona Vũ Hán” có R0 là 1,4 đến 2,5, tức là chúng gây ra khoảng hai ca nhiễm thứ phát với mỗi ca nhiễm ban đầu, cao hơn một chút so với cúm mùa (tuy nhiên thấp hơn nhiều so với virus gây bệnh sởi, có R0 từ 12 đến 18). Nếu R0 của virus Corona chủng mới vẫn tiếp tục thấp như vậy khi có nhiều dữ liệu hơn về dịch, chúng ta có thể tin tưởng rằng hoạt động giám sát và kiểm dịch sẽ ngăn chặn sự lây lan của nó. Nhưng các biện pháp này sẽ kém hiệu quả hơn khi R0 tăng.
Về độc lực, trình tự bộ gien của virus “Corona Vũ Hán” cho thấy, may mắn là nó chỉ liên quan xa đến SARS (chỉ giống nhau 73%), có nghĩa nó có thể ít gây chết người hơn, mặc dù còn quá sớm để khẳng định điều này.
Thứ hai, chúng ta phải xác định đợt bùng phát dịch này liệu có bắt nguồn từ sự thay đổi trong tính dễ bị tổn thương của vật chủ (con người) hay không. Những gì các nhà khoa học sẽ tìm kiếm ở đây là dấu hiệu cho thấy những người đã tử vong là người già hoặc bị suy giảm miễn dịch, phù hợp với các ca tử vong mà chúng ta thấy từ các bệnh nhiễm trùng Corona thông thường khác. Theo các nhà chức trách y tế Trung Quốc, phần lớn các ca tử vong do virus Corona chủng mới xảy ra ở người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm do mắc sẵn các bệnh khác.
Khi đã xác định được góc thứ hai của tam giác dịch, chúng ta sẽ xét đến góc cuối là môi trường, và đây là nơi mọi thứ trở nên phức tạp hơn nhiều. Khi nền kinh tế Trung Quốc mở rộng, số lượng công dân Trung Quốc đi lại bằng đường hàng không đã tăng vọt. Phần lớn các cuộc đi lại diễn ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Đó là cuộc di cư lớn nhất thế giới của con người, với khoảng 3 tỉ chuyến đi bằng các phương tiện đường bộ và đường không chỉ trong khoảng 2 tuần. Những thách thức của việc kiểm dịch trong quá trình di cư này là rất lớn, mặc dù Trung Quốc được trang bị tốt hơn hầu hết các quốc gia trong thực hiện các biện pháp y tế công cộng nghiêm khắc, và đã thể hiện quyết tâm của mình bằng cách áp dụng lệnh cấm di chuyển với trên 50 triệu công dân của họ.
Tuy nhiên, nơi mà môi trường thực sự biến động lại nằm ở các kết nối của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Năm 2005, hai năm sau khi đại dịch SARS bùng phát, chỉ có 233 đường hàng không quốc tế từ Trung Quốc đại lục. Tới năm 2016, các đường bay quốc tế đã tăng hơn gấp ba lên đến 739, có nghĩa là có nhiều tuyến đường hơn để truyền virus ra khỏi đất nước. Trong cùng thời gian, số lượng hành khách đi lại và đi ra khỏi Trung Quốc bằng đường hàng không đã bùng nổ từ khoảng 3 triệu đến hơn 51 triệu. Việc Trung Quốc ngày càng hướng ra bên ngoài đã mở rộng đáng kể môi trường mà virus “Corona Vũ Hán” có thể lan truyền. Vì thế, trong số 3 góc của tam giác dịch, góc môi trường khiến cho việc dự đoán phạm vi của dịch bệnh hiện nay cực kỳ phức tạp.
Khi đối mặt với các mối đe dọa dịch bệnh mới, bất kể nguồn gốc của chúng là gì, chúng ta có thể dựa vào sự tương tác của ba góc trong tam giác dịch. Trong trường hợp virus “Corona Vũ Hán”, điều gây lo lắng nhất là sự mở rộng nhanh chóng của môi trường mà mầm bệnh có thể lây nhiễm vào vật chủ./.
Theo Báo Tin tức