Những vụ cháy mùa hè không lạ ở Australia, nhưng dữ dội như năm nay là bất thường.
Cháy rừng diễn biến phức tạp và khó kiểm soát đã khiến Thủ tướng Australia Scott Morrison cân nhắc hoãn chuyến thăm Ấn Độ, dự kiến diễn ra từ ngày 13 đến 16-1, theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trong 4 tháng, các vụ cháy rừng đã tàn phá vùng Đông Nam của Australia, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán khỏi các khu vực cháy. Ít nhất 20 người đã thiệt mạng, hơn 1.300 ngôi nhà bị thiêu rụi, hơn 400 triệu động vật chết do cháy rừng. Những vụ cháy mùa hè không lạ ở Australia, nhưng dữ dội như năm nay là bất thường. Cháy rừng đã bắt đầu sớm hơn vào cuối tháng 8 năm ngoái và càng phát triển nhanh vì hạn hán, gió mạnh và nhiệt độ đặc biệt cao.
Lính cứu hỏa trong đám cháy rừng ở bang New South Wales (Australia) hôm 1-1. Ảnh: AFP |
Đối với không ít người Australia, hiện tượng này được giải thích bởi sự thay đổi khí hậu. Họ cũng thấy được những hậu quả nghiêm trọng, ngay tại thời điểm này, ở quần đảo láng giềng Indonesia, đang khốn khổ vì thảm họa lũ lụt. Giới quan sát cho rằng sự bực tức của người dân lớn đến mức thảm họa tự nhiên sắp biến thành thảm họa chính trị cho Thủ tướng Bảo thủ Scott Morrison, người còn thiếu nhạy cảm về sinh thái.
Người đứng đầu Chính phủ Australia đã vắng bóng vài ngày trước Giáng sinh, lúc đám cháy đang hoành hành. Khi người dân biết ông đã lặng lẽ đi nghỉ ở Hawaii, họ lên án, coi đó là biểu hiện cho sự quản lý sai lầm của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng. Ông Morrison sau đó đã trở về và gửi lời xin lỗi nhưng vẫn không chứng tỏ được sự chủ động trong kiểm soát tình hình.
Kể từ khi bắt đầu các vụ hỏa hoạn, vị Thủ tướng này đã phải đối mặt với một mâu thuẫn lớn: Xử lý một cuộc khủng hoảng xuất phát một phần là do sự nóng lên toàn cầu, trong khi né tránh câu hỏi có thể làm chia rẽ sâu sắc liên minh bảo thủ. Chủ đề này nhạy cảm về mặt chính trị đến nỗi năm 2018 nó đã khiến người tiền nhiệm Malcolm Turnbull, vốn muốn đưa vào luật nhằm giảm phát thải khí nhà kính, phải ra đi. Kể từ đó, không có chính sách mới nào được đề xuất để đạt được cam kết tại COP21 nhằm giảm lượng khí thải này.
Thủ tướng Scott Morrison đã nhận ra, hôm 12-12-2019, rằng “biến đổi khí hậu đang góp phần vào những gì đang xảy ra ngày hôm nay”. Nhưng ông tiếp tục phủ nhận việc Australia, một trong những nước gây ô nhiễm tệ nhất thế giới tính theo đầu người, phải chịu trách nhiệm nào cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Đối với ông, sẽ là “vô trách nhiệm” khi quay lưng lại với ngành than, trong đó Australia là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Trong lời chúc mừng năm mới, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, các thế hệ trong quá khứ “cũng phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, xung đột toàn cầu, bệnh tật, hạn hán và đã vượt qua”.
Tuy nhiên, các thế hệ hiện tại dường như không chia sẻ suy nghĩ theo chủ nghĩa khắc kỷ của Thủ tướng. Bực tức vì sự trì trệ của chính phủ, 60% người Australia, theo một cuộc thăm dò do tờ Guardian đưa ra vào cuối tháng 11, muốn hành động để chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Phe đối lập Lao động đã biến nó thành một chủ đề chính trong chiến dịch bầu cử hồi tháng 5-2019, hứa hẹn một sự chuyển đổi năng lượng, trong khi tiếp tục hỗ trợ ngành khai thác mỏ. Biết đâu, những đám cháy nguy kịch đang diễn ra sẽ là lời cảnh báo, là bằng chứng để thuyết phục các chính trị gia trong nước về sự cần thiết phải thay đổi mô hình hoạt động cũng như thái độ của họ đối với những nhiệm vụ cấp thiết trong bảo vệ môi trường, cũng có nghĩa bảo vệ sự sống trong tương lai./.
Theo SGGP