Ngày 30-11, bất chấp tuyên bố của các chính trị gia Nga về việc tăng cường hợp tác giữa Moskva và Ankara trong lĩnh vực quân sự, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố nước này là đồng minh trung thành của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ hoạt động nào của NATO chống lại Nga nếu cần thiết.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Trung Đông, Ngoại trưởng Cavusoglu đã hối thúc NATO chú ý đến thực tế là ngoài việc răn đe Nga ở biên giới phía Đông châu Âu, khối cũng cần phải hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc này. Ông Cavusoglu cũng nhấn mạnh một số cách thức nhằm tăng cường vai trò của các lực lượng thuộc NATO trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và bổ sung các loại vũ khí.
Phát biểu họp báo, Ngoại trưởng Cavusoglu nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối việc NATO tăng cường quân sự ở các nước vùng Baltic và Ba Lan vì Nga”. Đồng thời, ông Cavusoglu cũng nhắc nhở NATO không nên quên các thành viên khác của mình.
Bốn ngày trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện quan điểm khác biệt cơ bản về vấn đề này, cho rằng Ankara sẽ không ủng hộ kế hoạch của NATO nhằm hỗ trợ Ba Lan và các nước vùng Baltic trong trường hợp Nga có thể tấn công, nếu NATO không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang người Kurd ở Syria.
Liên hợp quốc kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Zimbabwe
Ngày 30-11, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lương thực, bà Hilal Elver kêu gọi nhanh chóng dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Zimbabwe vì tác động tiêu cực đến những người dân dễ bị tổn thương.
Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Liên hợp quốc, bà Hilal Elver đưa ra lời kêu gọi trên sau khi kết thúc sứ mệnh của mình trong chuyến thăm 10 ngày đến Zimbabwe vào hôm 28-11. Đây được xem là một trong những lời kêu gọi mạnh mẽ nhất được đưa ra bởi một quan chức cao cấp của Liên hợp quốc nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với nước này. Sau khi kết thúc chuyến thăm Zimbabwe, bà Elver bày tỏ sự tin tưởng chắc chắn rằng các biện pháp trừng phạt chưa thể tác động đến giới chức chính phủ mà nó làm tổn thương đến những người dân bình thường. Điều này ngược lại với các tuyên bố của Mỹ và EU cho rằng các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến dân thường.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lương thực bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt kinh tế và các điều kiện áp đặt đối với Chính phủ Zimbabwe và các chi phí gián tiếp đối với toàn bộ người dân nói chung, đặc biệt là quyền đối với lương thực. Bà Hilal Elver kêu gọi Mỹ, EU, các đối tác phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nới lỏng các điều kiện áp đặt đối với các quỹ phát triển của chính phủ Zimbabwe.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lương thực, bà Hilal Elver sẽ có báo cáo cuối cùng trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, dự kiến vào tháng 3-2020./.
Theo baotintuc.vn