Ngày 16-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm về đường ống dẫn khí “Dòng chảy Phương Bắc 2” tới Đức và việc vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu thông qua Ukraine.
Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết ngoài nội dung nói trên, lãnh đạo hai nước châu Âu cũng đã trao đổi về tình hình xung đột tại Ukraine và Libya. Năm 2011, đường ống dẫn khí đốt mang tên “Dòng chảy Phương Bắc 1” dưới lòng Biển Baltic đã đi vào hoạt động, và chuyển 55 tỷ m3 khí/năm từ Nga, đi qua lãnh thổ Ukraine để đến Đức. Trong khi đó, đường ống mang tên “Dòng chảy Phương Bắc 2” dự kiến sẽ bắt đầu vận hành từ giữa năm 2020, với công suất dự kiến cao gấp đôi. Tuy nhiên, hiện Nga và Ukraine vẫn chưa xúc tiến cuộc đàm phán về việc ký kết một thỏa thuận mới nhằm chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu, trước khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào cuối tháng 12. Do đó, xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ châu Âu thiếu năng lượng trong mùa đông này.
In-đô-nê-xi-a: Khiếu nại EU tại WTO về dầu cọ
Theo Roi-tơ và TTXVN, Bộ Thương mại In-đô-nê-xi-a cho biết, nước này đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Liên hiệp châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp hạn chế nhiên liệu sinh học từ dầu cọ, cho rằng việc này “không công bằng”. Ủy ban châu Âu (EC) hồi đầu năm nay công bố chỉ thị về năng lượng tái tạo (RED II), trong đó kết luận rằng việc trồng cọ lấy dầu khiến tình trạng phá rừng nghiêm trọng hơn và cần loại bỏ việc sử dụng loại nhiên liệu này ở EU trước năm 2030. In-đô-nê-xi-a, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, từng nhiều lần cảnh báo sẽ khiếu nại quyết định của EU ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO và hy vọng EU sẽ sửa đổi RED II.
Pháp: Căng thẳng liên quan cải cách hưu trí
Giao thông công cộng tại Pháp đã tê liệt ngày thứ 11 liên tiếp và được dự báo sẽ còn diễn biến trầm trọng hơn trong những ngày tới, trong bối cảnh các nghiệp đoàn trên cả nước phát động đình công quy mô lớn phản đối kế hoạch cải cách chính sách hưu trí của chính quyền Tổng thống E.Ma-crông. Các nghiệp đoàn tại Pháp tuyên bố tiếp tục phát động một cuộc biểu tình quy mô lớn trong ngày 17-12, với sự tham gia của hàng chục nghìn người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ ngành vận tải. Viễn cảnh về một cuộc đình công kéo dài khiến các doanh nghiệp tại Pháp quan ngại những thiệt hại lớn về doanh thu trong dịp lễ cuối năm quan trọng, trong khi nhiều khách du lịch lo lắng kế hoạch đi nghỉ của họ bị ảnh hưởng./.
Theo baotintuc.vn